Bình Chánh hiện là một trong những địa phương ngoại thành có hộ dân sử dụng nước giếng khoan nhiều trên địa bàn TPHCM. Vì vậy, các ngành chức năng của huyện đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để vận động người dân hạn chế sử dụng nước giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước sạch để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh, hiện có 166.202/174.234 hộ trên địa bàn huyện đã được cấp nước sạch, chiếm tỷ lệ 95,39%; trong đó, 125.990/174.234 hộ được lắp đặt đồng hồ nước, chiếm tỷ lệ 72,31%. Tuy nhiên, hiện ở một số nơi có chỉ số đồng hồ nước bằng 0m3 còn cao như xã Vĩnh Lộc B với 4.095 đồng hồ nước, xã Vĩnh Lộc A với hơn 1.600 đồng hồ nước. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn huyện Bình Chánh có 30.842 giếng khoan khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến tình trạng không đảm bảo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, nhiều khu vực bị sụp lún nghiêm trọng, gia tăng xâm nhập mặn, ô nhiễm chất lượng nguồn nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân.
Ông Lê Chu Long, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Chất lượng nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh đạt chuẩn cấp nước của Bộ Y tế, được quản lý bởi 2 hệ thống nội kiểm và ngoại kiểm của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Đồng thời, Sawaco lấy mẫu nước trực tiếp tại tất cả các nơi để thực hiện kiểm tra định kỳ. Định mức giá nước được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, tính giá định mức nước thấp nhất là 5.300 đồng/m³ cho các hộ sử dụng sinh hoạt, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xí nghiệp đã gắn mới 6.800 đồng hồ nước trên toàn huyện và đến cuối năm nay tiếp tục gắn mới tại xã Vĩnh Lộc B trên 4.000 đồng hồ nước, xã Vĩnh Lộc A với 19.000 đồng hồ nước”.
Ông Trần Văn Xem, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Bình Chánh, đề nghị UBMTTQVN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Chánh tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch khi đã được gắn đồng hồ nước trong năm 2016, 2017 và đầu năm 2018; hạn chế sử dụng nước ngầm, nước không hợp vệ sinh; nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, từng bước thay đổi thói quen sử dụng nước giếng không đảm bảo; từ đó, không khai thác, sử dụng nước ngầm theo chủ trương chung của thành phố.
Trong những năm qua, các đơn vị chức năng liên quan đã triển khai thực hiện cấp nước sạch cho thêm 390.000 hộ, nâng tổng số hộ được cấp nước sạch lên 1,9 triệu hộ, đạt 100% trên toàn thành phố. Để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cấp nước sạch cho các địa phương. Cụ thể, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đã thực hiện hoàn thành 114 dự án phát triển mạng lưới cấp nước, đẩy nhanh tiến độ gắn đồng nước trên địa bàn Quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn , Bình Chánh, hoàn thành kế hoạch cấp nước sạch tại các địa phương này
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng hệ thống cấp nước, phấn đấu đến năm 2019 đầu tư thêm hơn 1.000 km đường ống cấp nước; hoàn thành hai nhà máy nước Kênh Đông và Thủ Đức 4 trong năm 2018.
Thúy Nga