Nhận thức tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch, bệnh tật năm 2018, ngành y tế các cấp TP Đà Nẵng chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống dịch, bệnh và đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong năm qua, Sở Y tế thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo trung tâm y tế cấp quận, huyện; các trạm y tế phường, xã lên kế hoạch, phương án phòng chống dịch, bệnh. Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế địa phương có những kế hoạch tuyên truyền, vận động đến người dân.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 2 loại dịch là sốt xuất huyết và dịch tay-chân-miệng (số ít). Tính đến ngày 2/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận được 4.145 ca mắc sốt xuất huyết và có 456 ổ dịch lớn nhỏ. Chỉ trong tháng 11, thành phố có 250 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy số ca mắc bệnh có giảm so với cùng kỳ nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống dịch được thực hiện rốt ráo. Khi nhận được thông báo có ổ dịch, Đội xử lý lên kế hoạch phun hóa chất tại ổ dịch.
Trong năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng in khoảng 80.000 tờ rơi đưa về các địa phương, phát đến từng người dân thông qua các buổi sinh hoạt khu dân cư; treo 300 áp-phích ở các vị trí công cộng, tổ chức 20 buổi tuyên truyền trực tiếp tại trường học, khu dân cư.
Tại quận Liên Chiểu, địa bàn tập trung lượng lớn sinh viên, công nhân sinh sống trong các khu nhà trọ ẩm thấp, kém vệ sinh là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển. Tính đến ngày 4/12, toàn quận có 885 ca mắc SXH với 69 ổ dịch, tập trung nhiều tại hai phường Hòa Khánh Bắc và Hòa Khánh Nam.
Công tác tuyên tuyền, vận động người dân phòng, chống dịch được Trung tâm Y tế quận tích cực triển khai thông qua buổi sinh hoạt tổ dân phố. Tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, Trạm Y tế các phường và Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động để học sinh có những kiến thức về phòng chống dịch, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Ngoài vận động nhân dân phòng chống dịch, lực lượng y tế dự phòng còn thường xuyên tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng theo định kỳ. Khi các bà mẹ đến khám thai và sinh con tại các cơ sở y tế địa phương, cán bộ y tế phổ biến thông tin về chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và vận động bà mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Hằng tháng, các trạm y tế phường, xã tổ chức định kỳ 2 đợt tiêm chủng cho trẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng thường tổ chức các đợt khám cộng đồng sàng lọc bệnh cho người dân trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trung tâm đang tổ chức đợt khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và vú miễn phí cho khoảng 1.000 phụ nữ.
Đặc biệt, sau trận mưa lũ vừa qua, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường bằng việc phun hóa chất khử trùng tại các khu vực bị ngập. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các địa phương máy phun thuốc, hóa chất xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và hóa chất diệt muỗi chống dịch bệnh sốt xuất huyết...
Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc có nguy cơ gây dịch, người dân phải nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành xử lý kịp thời, triệt để và hiệu quả để khống chế, không để dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng../.
Phương Nghi