Toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 101.000 hộ dân, với gần 508.000 dân sinh sống ở vùng nông thôn. Tỷ lệ người dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt gần 80%. Số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 40,37% và tỷ lệ hộ có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh đạt gần 44%.
Mặc dù những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, thực hiện nhiều chính sách, đầu tư hỗ trợ cho người dân, cơ sở hạ tầng nông thôn đã có những bước phát triển tích cực. Hết năm 2017, toàn tỉnh đã được đầu tư trên 1.000 công trình cấp nước tập trung, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho các hộ, khu dân cư nông thôn.
Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, lượng mưa hàng năm ít, nguồn sinh thủy phân bố không đồng đều, có nguy cơ cạn kiệt. Cùng với đó, nhận thức người dân chưa cao trong vấn đề sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch sau đầu tư, bởi vậy các công trình cấp nước tập trung nhanh chóng bị xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Hiện chỉ còn 172 công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững, chiếm trên 17%. Số công trình cấp nước còn lại hoạt động trung bình, kém hiệu quả và không hoạt động, tập trung nhiều tại Huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ…
Thực tế đó chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, đời sống của dân cư nông thôn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu nước sạch mang tính dịch vụ của bà con vùng nông thôn miềm núi chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Để hạn chế lãng phí và phát huy hiệu quả các công trình cấp nước hiện có, rất cần sự vào cuộc chỉ đạo của chính quyền các huyện, UBND các xã cần sớm thành lập các Ban quản lý nước của xã, tổ quản lý nước của thôn để quản lý và sử dụng các công trình cấp nước theo quy chế và được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Nam Hương