Thứ Năm, 14/11/2024
Bể thu gom rác thải - Lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường nông thôn

Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Lạng Sơn, sự đồng thuận của nhân dân, hàng nghìn bể thu gom rác thải được xây dựng tại khu vực nông thôn đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Với hiệu quả thiết thực từ bể thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, nhiều tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân xây dựng các bể thu gom đốt rác gia đình. Cụ thể như, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện 5 không, 3 sạch và 3 an toàn,… Qua đó, trong 2 năm (2017 - 2018), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vận động, phối hợp xây dựng được gần 1.400 bể thu gom, đốt rác thải sinh hoạt hộ gia đình, với nguồn kinh phí từ xã hội hóa.

Cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên phối hợp tổ chức xây dựng các lò, bể thu gom rác thải nông thôn. Theo đó, từ 2016 đến nay, đoàn thanh niên các cấp xây dựng được gần 900 bể thu gom rác nông thôn. Anh Nông Thánh Thiên, Phó Trưởng ban Phong trào công tác hội (Tỉnh đoàn Lạng Sơn) cho biết: Các bể thu gom rác thải nông thôn được các cấp cơ sở đoàn triển khai thực hiện ở những nơi công cộng, khu vực đông dân cư, gần các trung tâm xã, thôn, trường học. Qua đó góp phần tích cực trong thu gom, xử lý rác thải nông thôn.

 
 Người dân xã Đề Thám (Tràng Định) bỏ rác vào bể thu gom và đốt trong ngày

Thôn Lĩnh Đeng, xã Đề Thám (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) vào ngày đầu tháng 12, đường trục thôn được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, hai bên đường đều trồng hoa, đường ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ. Ông Đặng Văn Chài (người dân trong thôn) đang bỏ rác vào bể thu gom rác của gia đình, ông cho biết: Hằng ngày, gia đình tôi đều thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại và cho vào bể những loại rác thải có thể đốt được để đốt; những loại chai lọ thủy tinh, nhựa thì gom lại và bán cho người thu mua ve chai. Qua tìm hiểu, bể đốt rác được gia đình ông Chài xây dựng bằng gạch bê tông, cao 1,5 m, chiều rộng, dài là 1 m. Trong đó, phần bể có chiều cao khoảng 1 m, phía dưới có tấm đan bằng lưới sắt, phía trên lợp tấm phi bờ rô xi măng, với kinh phí  hơn 1 triệu đồng. Bể thu gom và đốt rác được gia đình ông Chài xây dựng và sử dụng từ cuối năm 2017.

Không chỉ gia đình ông Chài, một số hộ trong thôn cũng xây dựng bể thu gom và đốt rác thải sinh hoạt. Ông Vi Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đề Thám cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã, các tổ chức đoàn thể như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên… phối hợp với người dân các thôn xây dựng được trên 40 bể thu gom, đốt rác. Nhờ đó, hạn chế tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Chu Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Thời gian qua, việc xây dựng các bể thu gom xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân có nơi thu gom rác và xử lý ngay trong ngày; khắc phục được tình trạng vứt rác bừa bãi và không được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng các bể thu gom đốt rác như trên có ý nghĩa tích cực đối với các xã vùng nông thôn, chưa có các dịch vụ thu gom rác thải. Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính trên địa bàn tỉnh có tới hàng nghìn bể thu gom, đốt rác của các hộ dân nông thôn. Qua đó, góp phần tích cực bảo vệ môi trường./.

ĐẠT HỒ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất