Thứ Sáu, 22/11/2024
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Quảng Bình - xã nghèo vùng cao được sử dụng nước sạch
Công trình cấp nước sạch tự chảy phục vụ đồng bào dân tộc vùng cao huyện Tuyên Hóa.

Do địa hình phần lớn là đồi núi cao nên hầu hết người dân khoan, đào giếng để lấy nguồn nước sinh hoạt gặp khó khăn. Chính vì vậy, để đưa nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh về cho người dân trong xã, các ban ngành và địa phương đã xây dựng 4 công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xã.

Đến hết tháng 8/2018, ở xã Lâm Hóa có 271 hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 99,6%. Số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2018 là 64/272, đạt tỷ lệ 23,5%. Ý thức của người dân trong việc sử dụng nguồn nước sạch, giữ gìn sức khỏe và đảm bảo vệ sinh môi trường trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày được nâng cao hơn.

Trước đây, người dân tộc ở các bản Cáo, Chuối xã Lâm Hóa có thói quen xả nước chảy thường xuyên để dùng. Sau khi có công trình cấp nước sạch tập trung, họ thường đến lấy nước và vẫn xả vòi nước chảy liên tục. Nhiều khóa nước lắp vào đều bị người dân phá hư hỏng. Đến nay, qua tuyên truyền, người dân đã có ý thức tiết kiệm nước, khóa vòi khi không sử dụng, hạn chế lãng phí nước sạch. 

Nhiều hộ dân sống xa các điểm cấp nước tập trung đã cải tạo lại giếng đào, giếng khoan và dẫn thêm nguồn nước tự chảy từ các khe suối đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình nhận thức được nguyên nhân của các loại bệnh do môi trường sống không sạch sẽ nên họ đã tiết kiệm để xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhờ đó, môi trường sống của bà con dân tộc nơi đây ngày một cải thiện sạch đẹp hơn.

Phấn đấu đến năm 2019, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã sử dụng nước hợp vệ sinh luôn được duy trì; tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tăng lên 30%, trong đó các trường học, trạm y tế xã, trụ sở UBND xã đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, quản lý sử dụng tốt. Tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là 10% …Cùng với đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới góp phần cải thiện điều kiện cuộc sống và môi trường của người dân trong xã.

Để thực hiện được điều đó, UBND xã Lâm Hóa phối hợp với đơn vị văn hóa thông tin tổ chức tuyên truyền qua hội nghị và qua hệ thống truyền thanh các nội dung liên quan. Trong các nội dung tuyên truyền, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường được chú trọng tăng thời lượng.

Từ đó, các hộ dân, đặc biệt hộ nghèo ý thức được việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở từng hộ gia đình bao gồm các loại nhà tiêu, cấp nước sạch và phương án tài chính phù hợp nhu cầu, thu gom rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bà Hoàng Thị Ngọc Hạnh - Cán bộ điều tra nước sạch vệ sinh môi trường UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nhận thức, hành vi nếp sống mới đối với người dân nông thôn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong đó người nghèo ở vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm chú trọng. Hàng năm số người được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ gia đình có công trình vệ sinh trong huyện ngày càng tăng thêm.

Đối với xã miền núi Lâm Hóa, các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh gần đạt 100%, trong đó các trường học và cơ quan trên địa bàn luôn đảm bảo nguồn nước đầy đủ. Các trường học ở xã Lâm Hóa, học sinh các trường mầm non, phổ thông tham gia các hoạt động tại trường học thúc đẩy vệ sinh an toàn.

Tuy nhiên đời sống người dân ở xã Lâm Hóa đang còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư, xây dựng các công trình nhà tiêu đạt vệ sinh còn thấp. Đã có nhiều chương trình tín dụng vay vốn để nâng cấp làm mới công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhưng tâm lý nhiều người còn chưa mạnh dạn, đang có tính trông chờ, ỷ lại".

 

Thanh Đào


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác