Thứ Tư, 1/1/2025
Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân: Tây Ninh - Nỗ lực đưa nước sạch về vùng sâu, biên giới
Hệ thống xử lý nước của Trạm nước sạch tại ấp Phước Hưng do Ủy ban MTTQVN TP.Hồ Chí Minh tài trợ.

Ông Nguyễn Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND xã biên giới Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) cho hay: Thời gian qua, địa phương cũng đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn xã cũng mới chỉ có 3 trạm nước sạch là: Phước Mỹ, Phước Hưng 2 và Phước Hòa đủ cung cấp cho 650 hộ dân (chỉ đạt 25%) số hộ trên địa bàn toàn xã được sử dụng nước sạch.

Theo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thành Lập, để có nước sinh hoạt, người có tiền thì khoan giếng, nhưng nước bị nhiễm phèn, vàng đục. Những hộ không có điều kiện phải chịu cảnh dùng nước ao tù. Dù biết là mất vệ sinh nhưng bà con cũng không còn cách nào khác…

Để giúp người dân xã biên giới Phước Chỉ có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh cũng đã vận động Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xây dựng thêm một công trình nước sạch tại ấp Phước Hưng, với công suất đủ cho 150 hộ sử dụng.

Bà Võ Thị Tình (58 tuổi, ở Tổ 4, ấp Phước Hưng) một chủ hộ được thụ hưởng từ công trình nước sạch ở ấp Phước Hưng, bộc bạch: Trước đây hằng ngày, để có nước nấu chè bán và sinh hoạt, gia đình bà phải thay phiên nhau đạp xe qua xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ (Long An) chia nước lại của người dân mang về dùng. Mỗi ngày, cũng phải đi từ 2-3 lượt, mỗi lượt chở hai can nước 30l. “Từ ngày có trạm nước sạch mừng lắm cô ơi. Bà cũng không biết nói sao nữa…”, bà Tình phấn khởi chỉ trả lời được như vậy khi được hỏi suy nghĩ của bà khi địa phương ưu tiên đầu tư công trình nước sạch.

Sau hai tháng Dự án được triển khai thi công, những dòng nước sạch đầu tiên được dẫn về từng nhà. Người dân phấn khởi thu dọn máy bơm đặt dưới ao, rửa sạch các bồn chứa nước đóng đầy phèn để chứa nước sạch.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thành Lập cho biết thêm, vừa qua Dự án Tiểu vùng Mê Kông cũng đã khảo sát trên địa bàn xã. Dự kiến khi Dự án được triển khai thực hiện đi qua địa bàn xã, sẽ có thêm 500 hộ dân được sử dụng nước sạch.

Theo Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN&PTNT), thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân như xây dựng các trạm cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ thiết bị xử lý nước…

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành chính sách “Hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”. Thực hiện chính sách này, sẽ có trên 15 ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xử lý nước sạch sinh hoạt.

Theo Đề án được thụ hưởng chính sách thì, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% giá trị của hệ thống xử lý nước; hộ cận nghèo, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 75%, hộ có mức sống trung bình ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50%; hộ nông thôn khác ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% giá trị của hệ thống xử lý nước. Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 1 lần trong thời gian 10 năm. Giá trị hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/hộ, bao gồm thiết bị lọc nước, bồn chứa nước 500 lít. Tổng kinh phí thực hiện gần 95 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.

Với mục tiêu đến năm 2020, Tây Ninh có 50/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch tại các xã này theo quy định phải đạt từ 98% trở lên, trong đó, 65% phải sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 02:2009 của Bộ Y tế.

“Tuy nhiên, tính đến hết năm 2017, qua khảo sát, bình quân tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn có trên 90% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhưng, nước sạch theo QCVN 02:2009 của Bộ Y tế chỉ đạt 49%, nên ngoài việc vận động để người dân nâng cao ý thức về sử dụng nước sạch, cần thực hiện công tác hỗ trợ hệ thống xử lý nước sạch cho hộ gia đình”, ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết.

 

Như Hoa

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất