Đồng Bảng là xã vùng khó khăn của huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) với hơn 1.500 nhân khẩu. Đến nay, cả xã có hơn 1.400 người tham gia BHYT. Trạm y tế xã có 7 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ, áp lực công việc luôn đè nặng lên vai mỗi người. Xác định công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của người thầy thuốc nên các y, bác sĩ đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trạm thường xuyên phối hợp với các đoàn thể và mỗi thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
|
Khám bệnh tại trạm y tế xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu |
Để phòng ngừa và khống chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, cán bộ y tế phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể xã thường xuyên đến hộ dân tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, hướng dẫn cách phòng bệnh nhất là thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, nhờ vậy, nhiều năm nay trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra. Trạm đã tham mưu cho Ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động hộ gia đình làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến nay đã có trên 400 hộ xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm trên 90% hộ dân trong xã.
Ngoài ra, thực hiện chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa ngành y tế, Sở Y tế tỉnh và Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo Trạm y tế xã lên kế hoạch và triển khai thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải nhựa theo quy định. Theo đó, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa được tiến hành vào cuối ngày và công việc này được giao một nhân viên thực hiện và chịu trách nhiệm.
Rác thải nhựa tại đây chủ yếu là đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của người bệnh đến khám, chữa bệnh, trong đó phần lớn là vỏ chai nhựa đựng nước dùng một lần. Rác thải của trạm y tế bao gồm bơm kim tiêm, chai nhựa đựng dịch truyền, dây truyền dịch…Việc thu gom được tiến hành vào cuối ngày và được phân loại thành rác thải nhựa có thể tái chế và rác thải nhựa không thể tái chế. Rác thải nhựa sau khi phân loại được đưa vào chỗ đựng có mái che, chờ mang đi xử lý. Bên cạnh đó, trạm y tế cũng tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ, nhân viên, người bệnh hạn chế sử dụng túi, chai, cốc và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy mà thay vào đó là sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nilon như trước đây, dùng cặp lồng, hộp nhựa sử dụng nhiều lần để đựng thức ăn thay thế cho hộp xốp, cốc nhựa dung một lần.
Bác sỹ Lò Thị Thanh, Trưởng trạm y tế xã Đồng Bảng chia sẻ: Trong những năm qua, đội ngũ y, bác sỹ của trạm đã đi học tập để sử dụng, vận hành máy, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Đấy là việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ đã được nâng cao. Bên cạnh đó, những năm qua trạm y tế cũng thường xuyên tuyên truyền nhân dân phân loại và đổ rác đúng nơi quy định, sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong thời gian sắp tới, ngoài việc thug om, phân loại và đổ rác đúng nơi quy định, sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong thời gian sắp tới, ngoài việc thu gom, phân loại rác thải nhựa theo quy định, trạm y tế sẽ phối hợp với Đảng ủy, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội xã Đồng Bảng tổ chức phát động phong trào “Nói không với chất thải nhựa”, vận động nhân dân hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy nhằm bảo vệ môi trường ngày một xanh – sạch – đẹp.
Quang Minh