Thứ Năm, 14/11/2024
Hướng dẫn rửa tay với xà phòng góp phần phòng chống bệnh truyền nhiễm

 Các bước rửa tay với xà phòng

Rửa tay với xà phòng tưởng là chuyện nhỏ nhưng trên thực tế thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả.

Để phòng chống các bệnh lây nhiễm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ với một động tác rửa tay với xà phòng tại các thời điểm quan trọng trong ngày sẽ làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy, giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19-45% ở trẻ em và phòng ngừa rất hiệu quả bệnh tay chân miệng.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay-chân- miệng… Những năm gần đây đã xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hằng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán...

Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng cơ thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.

Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên đều có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng. Việc vệ sinh tay được ví như  vacxinphòng bệnh đơn giản và dễ thực hiện. Tổ chức WHO cũng khuyến cáo rửa tay với xà phòng cũng là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn.

5 thời điểm quan trọng trong ngày cần rửa tay với xà phòng là: Sau khi đi vệ sinh; sau khi ra ngoài đường; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.

Sáu bước vệ sinh tay đúng cách được WHO khuyến cáo trong công tác vệ sinh cá nhân:

Bước 1: Làm ướt tay và chà sát vào cục xà bông hoặc lấy một chút nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.

Bước 2: Chà rửa hai lòng bàn tay với nhau như bình thường rồi đan các ngón tay với nhau để làm sạch các kẽ ngón tay.

Bước 3: Xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái với các ngón tay đan nhau để các kẽ tay được làm sạch và ngược lại.

Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch khe các ngón tay bằng cách xoay cổ tay nửa vòng.

Bước 5: Nắm chặt ngón tay cái bàn tay phải và chà rửa ngón tay theo chuyển động tròn rồi đổi tay.

Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.

Thanh Huyền

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất