Những năm qua, để bảo vệ môi trường sống, đẩy lùi dịch bệnh, nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên đã đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc từ bỏ thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Từ trước tới nay, tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, các dịch, bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ, thương hàn, tay-chân-miệng, giun sán vẫn còn lưu hành và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch tại nhiều vùng trong cả nước.
|
Bộ đội giúp dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh tại Gia Lai
|
Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, phóng uế bừa bãi, thực hành vệ sinh cá nhân chưa tốt.
Thời gian qua các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các cấp, các ngành đã khẩn trương vào cuộc triển khai các giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Tại làng Hway, xã Hà Tam huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để chấm dứt tình trạng người dân phóng uế bừa bãi ra môi trường, sau khi thống kê lại số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, các ban ngành đoàn thể của xã đã cùng bàn bạc và góp tiền, để hỗ trợ các hộ mua vật liệu xây dựng.
Sau đó, nhờ cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn công binh 7, Quân đoàn 3 giúp công để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ. Trong vòng 1 tháng, đã tiến hành làm xong và bàn giao đưa vào sử dụng cho 19 hộ của làng.
Cũng với cách làm đó, đến nay, toàn huyện Đak Pơ có gần 100 hộ chưa có nhà tiêu đã được xây mới, nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng. Nhờ đó đã góp phần cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân.
Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà là một trong những huyện tiên phong ở Tây Nguyên triển khai xây dựng làng sức khỏe với trên 100 Tổ tự quản về chăm sóc sức khỏe, hơn 500 nhóm hộ gia đình tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích trong các thôn buôn trong địa bàn huyện.
Già làng Y Phan ở thôn Kon Gung, xã Đăk Mar chia sẻ: Trước đây, nhận thức của người dân trong các buôn làng về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân… còn nhiều hạn chế. Do đó, tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn xảy ra. Tuy nhiên hiện nay, các gia đình đều đã ý thức xây dựng nhà vệ sinh, không còn ai phóng uế bừa bãi, mọi người ai cũng giữ buôn làng sạch sẽ…
Năm 2018, được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay trong thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, toàn tỉnh Kon Tum đã có thêm 2.003 nhà vệ sinh được cải thiện, trong đó huyện Kon Rẫy là 243 nhà vệ sinh, Ngọc Hồi là 228, Sa Thầy là 209, Tu Mơ Rông là 303, Đắc Hà là 472 và Đắc Tô là 548 nhà vệ sinh.
Có thể nói, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp của các tỉnh trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, những năm qua, tại nhiều địa bàn vùng dân tộc thiểu số, thói quen phóng uế bừa bãi đã dần được đẩy lùi và chấm dứt. Đến nay bà con đã có ý thức xây dựng nhà vệ sinh theo chuẩn của Bộ Y tế, nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, phòng tránh dịch bệnh. Tin tưởng rằng, với sự chung tay của cộng đồng và những nỗ lực và giải pháp được triển khai liên tục, môi trường sống của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên sẽ được cải thiện, ngày một tốt hơn.
Đỗ Quyên