Thứ Sáu, 22/11/2024
Một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vệ sinh cá nhân tại Phú Thọ

Trong những năm qua, phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân luôn được tỉnh Phú Thọ quan tâm, triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành trong toàn tỉnh và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.


Đoàn viên thanh niên huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tham gia buổi lễ hưởng ứng vệ sinh yêu nước

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể trong tổ chức triển khai nhằm triển khai sâu rộng Phong trào trong toàn xã hội và cộng đồng dân cư. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể người dân về vệ sinh nâng cao sức khỏe, bảo đảm phong trào được thực hiện một cách sâu rộng và bền vững. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện phong trào. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Y tế là đơn vị đầu mối, trực tiếp phụ trách về chuyên môn trong việc tuyên truyền nhân dân trong vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, không phóng uế bừa bãi.

Hàng năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 02/7) theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, lấy ngày nhất định trong tháng để huy động toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cơ quan, trường học, công sở tạo những thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân. Nhờ đó, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng qua các phong trào: “Ba sạch, ba diệt”; “Ăn sạch, ở sạch; “Sạch làng, sạch ngõ”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Cùng với đó, hàng trăm nghìn tờ rơi về công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh chuồng trại gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... đã được phát đến tay người dân; tuyên truyền vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe cũng được triển khai thường xuyên. Thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu, nguồn nước hợp vệ sinh; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà...

Nhờ đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được cải thiện rõ rệt; tăng tỷ lệ nguồn nước sạch cho vùng nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. Kết quả, năm 2017, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại 4 xã điểm là Trưng Vương (TP Việt Trì), Bản Nguyên, Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) và Đồng Luận (huyện Thanh Thủy) nhằm tuyên truyền vận động người dân xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường…Bên cạnh đó, việc triển khai dự án Vệ sinh hộ gia đình, gắn kết nhu cầu của người dân với hỗ trợ vốn vay ưu đãi cũng được thực hiện tại 2 xã Lương Sơn, Xuân Thủy (huyện Yên Lập) và 2 xã Ngọc Quan, Vụ Quang (huyện Đoan Hùng). Kết quả, đã có 333 nhà tiêu tại huyện Yên Lập, 232 nhà tiêu tại huyện Đoan Hùng được xây mới, cải tạo.

Năm 2018, Phú Thọ có 14 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã  là xã Tình Cương, Sai Nga (huyện Cẩm Khê), Bằng Doãn, Bằng Luân (huyện Đoan Hùng), Mỹ Lương, Lương Sơn, Mỹ Lung (huyện Yên Lập), Thắng Sơn, Cự Đồng, xã Tân Lập, xã Giáp Lai (huyện Thanh Sơn), xã Bằng Giã (huyện Hạ Hoà), Minh Đài,  Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) đạt VSTX cho cả tiêu chí hộ gia đình và công trình công cộng. Toàn tỉnh đã có thêm 5.297 điểm đấu nối nước sạch.

Năm 2019,  Sở Y tế tỉnh sẽ tục tăng cường hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh của người dân, triển khai can thiệp “Vệ sinh toàn xã” tại 12 xã thuộc 7 huyện Phù Ninh, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập với 14.640 hộ và 59.148 người dân được hưởng lợi từ kết quả của Chương trình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,  Sở Y tế Phú Thọ vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác tuyên truyền, cụ thể như: sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào của chính quyền các cấp chưa được thường xuyên, liên tục, kinh phí hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phong trào quá hạn hẹp. Bên cạnh đó trình độ dân trí, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên việc tổ chức, triển khai phong trào cũng gặp không ít khó khăn.

Từ những kết quả trong công tác tuyên truyền nhân dân trong việc vệ sinh cá nhân, chấm dứt phóng uế bừa bãi như trên, Phú Thọ rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khoẻ nhân dân;

Hai là, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về vệ sinh của các chiến lược, chương trình, phong trào có liên quan;

Ba là, tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phong trào vệ sinh yêu nước thông qua Ðài truyền hình, báo địa phương, qua hệ thống loa đài của xã, thôn, đặc biệt việc tuyên truyền miệng từ chính những người dân với nhau để họ hiểu rõ hơn lợi ích của việc giữ vệ sinh cá nhân, việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh và hậu quả của việc phóng uế bừa bãi.

Bốn là, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá triển khai thực hiện công tác hàng năm từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền cho năm tiếp theo.

Minh Tâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi