Thứ Sáu, 22/11/2024
Yên Bái: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kết quả và kinh nghiệm

Các công trình đã góp phần từng bước cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thay đổi thái độ và hành vi vệ sinh, từ đó, tự đầu tư xây dựng cải thiện nguồn nước, nhà tiêu hợp vệ sinh cho gia đình mình. 


 Cán bộ TTKSBT tỉnh Yên Bái  phát tờ rơi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh

Là một trong số các hộ nghèo, dân tộc thiểu số được thụ hưởng từ Chương trình, ông Triệu Văn Láu ở thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên không giấu nổi niềm vui khi gia đình có nhà vệ sinh mới, sạch sẽ. 

Ông Láu cho biết: "Được hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ trên 1 triệu đồng, gia đình tôi chỉ phải bỏ thêm vài trăm nghìn đồng và ít công đào đất là có nhà tiêu hợp vệ sinh. Được hỗ trợ như vậy, cả gia đình tôi ai cũng mừng, sử dụng rồi mới thấy việc xả thẳng ra vườn như thói quen ngày trước rất mất vệ sinh. Thấy việc gia đình tôi xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tiện lợi và chi phí lắp đặt rẻ, một số hộ dân xung quanh cũng hỏi thăm và nhờ tôi liên hệ để lắp đặt sử dụng.

Cũng như gia đình ông Láu, gia đình ông Hoàng Văn Thanh, ở thôn Công Nghiệp, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Được Chương trình hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình ông đã thay đổi những tập tục, lối sống còn lạc hậu.

"Sau các buổi tập huấn kiến thức vệ sinh và nước sạch, về nhà, tôi đã truyền đạt lại cho người thân trong gia đình. Hiện nay, các thành viên trong gia đình tôi đã không còn hứng nước mưa để ăn và đều có thói quen rửa tay bằng xà phòng ở các thời điểm quan trọng như sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn” - ông Thanh nói.

Cùng với hai hộ trên, đến cuối năm 2018 trên 2.100 hộ gia đình thuộc 12 xã can thiệp của các huyện, thị thuộc Chương trình đã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ sửa chữa 19 công trình nước và vệ sinh của 19 trạm y tế xã. 

Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên trên 67%, tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu và giếng nước hợp vệ sinh đạt trên 94% và gần 90% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn là cơ sở để các địa phương triển khai hiệu quả các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Có được kết quả này là sự nỗ lực phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, đơn vị địa phương, nhất là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện hợp phần vệ sinh trong Chương trình. 

Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để phát huy hiệu quả tốt nhất, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. 

Bác sỹ Chuyên khoa II Phạm Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Triển khai hợp phần vệ sinh, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động như: mở lớp tập huấn cho cán bộ tuyến huyện, thợ xây, đội ngũ y tế thôn, bản về vệ sinh nông thôn, tổ chức mít tinh ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người dân… 

"Trong năm 2019, hợp phần vệ sinh sẽ tiếp tục được triển khai ở 14 xã của các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Dự kiến có 17.998 hộ, 73.035 người dân được thụ hưởng. Đến thời điểm này, Trung tâm đã và đang triển khai xây dựng 19 công trình cấp nước vệ sinh trạm y tế; hỗ trợ 2.139 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh với tổng kinh phí trên 2,3 tỷ đồng” - bác sỹ Thành thông tin. 

Với hình thức tuyên truyền đa dạng, thường xuyên, liên tục, Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường của nhân dân, đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, khi triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, các đơn vị, địa phương cũng gặp một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là điều kiện kinh tế, xã hội còn hạn chế; trình độ dân trí còn thấp, nhiều tập quán lạc hậu; người dân chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, của việc rửa tay với xà phòng và nước sạch. Đặc biệt, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước của người dân còn khá phổ biến, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cấp xã, cấp thôn nhiều nơi chưa quan tâm sâu sát đến vấn đề vệ sinh, nước sạch. Do đó, chưa có các biện pháp quyết liệt vận động người dân xây dựng sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng. 

Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” có cách tiếp cận mới, tập trung nhiều vào tăng cường sự bền vững của cơ sở hạ tầng bằng cách tăng cường vận hành, bảo dưỡng, khôi phục chi phí cấp nước; tăng cường cộng tác giữa đầu tư vệ sinh và xúc tiến vệ sinh để đạt được tiêu chí vệ sinh toàn xã. Vì vậy, để Chương trình được thực hiện có hiệu quả, thời gian tới, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng lòng ủng hộ của toàn xã hội.

Bích Hằng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi