Thứ Sáu, 22/11/2024
Tăng cường nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2020 tại Lai Châu

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 56,5% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong số hộ đó ở nông thôn chiếm tỷ lệ 49%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) giữa các xã không đồng đều, đặc biệt còn nhiều xã khó khăn có số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS dưới 10%. Toàn tỉnh có 102/108 Trạm y tế có nhà tiêu HVS và 94 Trạm Y tế có nguồn nước sinh hoạt HVS; tỷ lệ trường học có nguồn nước hợp vệ sinh là 9,5% trong tổng số 352 trường học.

Tính đến hết năm 2019, có 82,5% dân số nông thôn tỉnh Lai Châu được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có 803 công trình cấp nước tự chảy, phần lớn là công trình có quy mô nhỏ và rất nhỏ cấp nước cho cho trên 38.181 hộ dân chiếm 59,31% dân số nông thôn với hình thức cấp nước tới các hộ dân chủ yếu bằng bể chứa và trụ vòi, còn lại là cấp nước nhỏ lẻ từ máng khe suối nhỏ, mó nước, bể chứa nước mưa, giếng đào.


 Người dân bản Nậm Và, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ sử dụng nguồn nước sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống

Trong năm 2020, tỉnh Lai Châu đã đề ra các mục tiêu về vệ sinh và nước sạch như  nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã tại 08 xã tại 4 huyện Tam Đường; Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân vệ sinh môi trường, trường học, tăng cường tiếp cận bền vững với nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh tại các đơn vị trường học trên địa bàn 03 xã Khun Há, Mường Cang, Ma Ly Pho. Nâng cao năng lực trình độ chuyên sâu về nước sạch vệ sinh để thực hiện nội dung quản lý, giám sát, đánh giá Chương trình… Thực hiện sửa chữa, nâng cấp  05 công trình nước sạch nhằm đạt được mức đấu nối mới trên 1.900 đấu nối và phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%, người dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn quốc gia QCVN 02: 2009/BYT đạt 32%.

Tuy nhiên với đặc điểm là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu gặp không ít khó khăn trong thực hiện Chương trình như tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp đặc biệt là hộ gia đình nông thôn. Nguyên nhân do nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn hạn chế, thói quen và phong tục tập quán của đồng bào nên tình trạng phóng uế bừa bãi còn diễn ra nhiều nơi, nhiều người chưa có ý thức rửa tay sau khi đi vệ sinh.


 Mẫu nhà tiêu hợp vệ sinh được ưa chuộng tại nhiều gia đình 

Để đạt được những mục tiêu đề ra của năm 2020, ngày 25/5/2020, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1016/KH-UBND về Tăng cường năng lực Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả năm 2020. Kế hoạch đã đưa ra các giải pháp và hoạt động tăng cường năng lực thực hiện Chương trình của tỉnh Lai Châu. Trong đó đã tập trung chủ yếu vào các giải pháp như:

Thứ nhất, truyền thông thay đổi hành vi (BCC) vệ sinh đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường vệ sinh nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, thói quen rửa tay với xà phòng, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi và tăng cường xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thứ hai, tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch và tăng độ bao phủ nước sạch ở khu vực nông thôn và DTTS thông qua việc thay đổi sâu sắc về nhận thức về tiếp cận của các cấp, các ngành đặc biệt là cộng đồng trong các khâu đầu tư và quản lý nhất là khâu quản lý sau đầu tư.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện chính sách và thể chế, tăng cường năng lực các tổ chức ở cơ sở. Xây dựng và áp dụng các sáng kiến trên mô hình mới, phù hợp và bền vững với điều kiện của từng địa phương. Thúc đẩy vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân của đồng bào.

Thứ tư, xây dựng và triển khai hoạt động chương trình có sự tham gia vào cuộc từ cấp trung ương, cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, thôn bản, trong đó tiên phong là các đảng viên, cán bộ công chức nhà nước và những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.


 Bà con phấn khởi khi có nhà vệ sinh sạch sẽ

Để tăng cường nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, năm 2020 này, ngành y tế Lai Châu sẽ tổ chức Hội nghị giới thiệu chương trình và triển khai Kế hoạch năm 2020 tại 03 cấp: cấp tỉnh, huyện, xã để qua đó thấy được tầm quan trọng của vệ sinh, phương pháp thực hiện và sự vào cuộc, hỗ trợ cần thiết của các cấp chính quyền để thúc đẩy vệ sinh nông thôn, giúp các bên liên quan nắm được cơ chế, cách thức thực hiện Chương trình. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ hỗ trợ các huyện, xã tham gia Chương trình trong việc tổ chức tập huấn Tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường cho cán bộ xã và tuyên truyền viên, dự kiến thực hiện 08 lớp tại 08 xã triển khai Chương trình năm 2020. Với những nỗ lực như trên, hy vọng năm 2020, tỉnh Lai Châu sẽ đạt được những kết quả theo kế hoạch đã đề ra.

Hồng Vân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác