Ngày 03 tháng 10 tháng năm 2020, Vụ Tổng hợp - Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp tập huấn Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”.
Tham gia chỉ đạo tập huấn có ông Trần Văn Đoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Dân tộc) bà Thanh Thị Minh Hiền - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cùng tham dự.
Tham dự lớp tập huấn có trên 80 người là người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo, thôn trưởng và hộ gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng một số công chức các sở, ngành và Ban Dân tộc.
|
Quang cảnh buổi tập huấn |
Trong thời gian 01 ngày, lớp tập huấn đã được nghe 4 chuyên đề về: Tổng quan về Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch và môi trường nông thôn dựa trên kết quả”; Lồng ghép giới và sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số vào Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch và môi trường nông thôn dựa trên kết quả”; Thực trạng vệ sinh nông thôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phương pháp theo dõi, giám sát thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh nước sạch và môi trường nông thôn dựa trên kết quả”.
Với mục tiêu của Chương trình là nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh tham gia dự án. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ địa phương tham gia thực hiện Chương trình về các nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số, cải thiện nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.
Hiệu quả kinh tế mà Chương trình sẽ đem lại là: Giảm gánh nặng hàng ngày phải đi lấy nước xa khu dân cư, nhất là các hộ dân vùng ven biển, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi. Việc cung cấp nước sạch ở những vùng khan hiếm nước sẽ giảm chi phí sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội. Điều này đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện sẽ làm giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như thương hàn, tiêu chảy, lỵ, sốt rét, tả, phụ khoa… và một số bệnh thường gặp nhất đối với trẻ em, phụ nữ, giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khỏe người dân.
Hiệu quả xã hội mà chương trình đem lại là: Việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn, góp phần hạn chế sự di dân ồ ạt vào đô thị và di cư tự do ở các vùng khan hiếm nước.
Chương trình cấp nước sạch nông thôn góp phần nâng cao sức khỏe của người dân và giải phóng phụ nữ trong nhiều công việc nặng nhọc liên quan đến nước sạch và vệ sinh, cải thiện điều kiện vật chất và góp phần thực hiện bình đẳng giới./.
Xuân Đông