Thứ Tư, 13/11/2024
Lai Châu: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh

Chương trình được triển khai tại 17 xã, đã có 1.194 hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được nhận kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% các hộ dân tại các xã triển khai được cung cấp kiến thức về kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, các trường học và trạm y tế cũng được xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh đảm bảo các tiêu chí của chương trình. Đến năm 2020, có 17 xã được công nhận đạt chuẩn “Vệ sinh toàn xã” (VSTX); 8 xã đang xây dựng kế hoạch triển khai và phấn đấu đạt VSTX trong năm 2021 này.


 Nhà tiêu tạm bợ được che chắn sơ sài, mất vệ sinh trước đây



Xác định công tác vận động, tuyên truyền là trọng tâm, năm 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức được 1 hội nghị triển khai chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tuyến tỉnh, 8 lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã về nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình, kỹ năng truyền thông, kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh. Cùng với đó, thực hiện tổ chức tuyên truyền phát phóng sự, clip thông điệp trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, bài viết trên Báo Lai Châu… về thực hiện xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, khảo sát đánh giá các hoạt động của chương trình và lấy 104 mẫu nước tại 18 trạm y tế và 35 trường học tại và 5 xã Bản Hon, Bản Bo, Khun Há, Bản Giang, Thèn Sin đạt vệ sinh toàn xã vào tháng 11/2020. Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; tuyên truyền người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Tính đến hết năm 2020, Lai Châu đã có 75,7% hộ gia đình được sử dụng nước sạch; 61,5% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc người dân rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đạt 66,1%.

Xã Mường Cang (huyện Than Uyên) có 13 bản với 45 hộ tham gia chương trình. Các hộ dân trong xã chủ động xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh. Hàng tuần, các bản tổ chức dọn vệ sinh, không vứt rác thải bừa bãi; giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hiện nay, toàn xã có 50 hộ tự đầu tư kinh phí và được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ để xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh; trên 5 hộ cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt. Anh Kháng A Tau (bản Huổi Hằm, xã Mường Cang) chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng từ chương trình, cùng với số tiền tiết kiệm, đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và có chỗ rửa tay. Từ khi đưa vào sử dụng, môi trường sạch sẽ, yên tâm hơn về sức khỏe của các thành viên trong gia đình”.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với người dân là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như: Tiêu chảy, thương hàn, tả, đau mắt hột… làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng tốn kém đến vài triệu đồng. Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bà con chưa nhận thức được hết những ảnh hưởng của việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi thành viên trong gia đình mà còn là nơi tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển.


 Nhà tắm và nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình

Để duy trì tính bền vững các công trình được đầu tư, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân,  trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện tốt hơn nữa chương trình. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đề nghị các Trung tâm Y tế huyện cần tiếp tục chỉ đạo Trạm Y tế xã quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình vệ sinh trạm y tế; hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng và quản lý nhà vệ sinh đúng cách. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh tại các thôn, bản có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, phấn đấu tối thiểu đến cuối năm 2021, duy trì trên 70% hộ dân ở các xã thụ hưởng chương trình có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bích Lan


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất