Thị xã Ba Đồn hiện chưa có bãi xử lý rác tập trung riêng mà từ trước đến nay sử dụng chung bãi rác với huyện Quảng Trạch tại khu vực giáp ranh 2 xã Quảng Lưu-Quảng Tiến. Tại các phường trung tâm thị xã, công tác thu gom rác thải và xử lý môi trường được giao cho BQL các công trình công cộng (CCTCC) thị xã đảm nhận. Riêng đối với các xã vùng nam, do điều kiện địa hình nên các địa phương tự tổ chức hoặc thành lập mô hình thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết hàng năm, UBND thị xã Ba Đồn đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ các xã vùng nam thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại các điểm tồn động và dồn ứ rác thải. Tuy nhiên, do bãi chứa rác chung với huyện Quảng Trạch cách xa khu vực các xã vùng nam, trong khi nguồn kinh phí có hạn, nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các điểm tồn đọng không được thường xuyên và hiệu quả.
Trước thực trạng trên, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các xã ký kết hương ước bảo vệ môi trường, triển khai đề án thu gom và xử lý rác thải tại địa phương, thành lập đội quy tắc bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có nhiều xã, phường xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác thu gom, như: Quảng Hải, Quảng Tiên, Quảng Lộc, Quảng Hoà, Quảng Phong, Quảng Long... Chủ tịch UBND thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường và BQL CCTCC thị xã cũng đã ký giao ước giữ gìn vệ sinh môi trường tại các xã, phường năm 2017 nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương.
Song song với việc duy trì hoạt động ổn định và thường xuyên của tổ tự quản thu gom rác thải, chính quyền địa phương các xã, phường đã rất nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và tổ chức các đợt tổng vệ sinh, thu gom rác thải. Một số xã còn tổ chức hướng dẫn người dân tự phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý hợp vệ sinh tại gia, vận động các hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán tạp hoá, dịch vụ ăn uống tại các điểm đông dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, đồng thời có quy chế xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi vi phạm trong bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của phần lớn hộ dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, các hủ tục, thói quen mất vệ sinh có hại cho môi trường và cuộc sống xung quanh trước đây đã dần được xoá bỏ, bộ mặt nông thôn đã có chuyển biến, các điểm đổ rác tự phát đã được thu dọn và đưa đi xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Công Giáp, Trưởng BQL CCTCC thị xã Ba Đồn cho biết, đơn vị hiện có 2 xe ô tô chuyên dụng và đội ngũ công nhân chuyên nghiệp gồm 30 người thực hiện công tác thu gom rác thải và xử lý môi trường tại các phường trung tâm thị xã. Từ tháng 3-2017, đơn vị đã tăng số lần thu gom rác từ 2 lần/tuần lên 3 lần/tuần đối với khu vực phường Ba Đồn và từ 1 lần/tuần lên 2 lần/tuần đối với các tổ dân phố khu vực trung tâm phường: Quảng Long, Quảng Phong, Quảng Thuận và Quảng Thọ. Đơn vị đã xử lý các điểm đổ rác tự phát tồn đọng tại một số điểm, như: cầu Bánh Tét (phường Quảng Thọ), khu vực Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNN Ba Đồn (phường Ba Đồn) và tiến hành bàn giao địa điểm cho chính quyền địa phương quản lý, tránh tình trạng người dân tiếp tục đổ rác tại các điểm nói trên.
Cùng với việc duy trì thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nội thị, đơn vị đã tập trung nhân lực, phương tiện để quét dọn, thu gom, vận chuyển rác thải tại chợ Ba Đồn và xử lý dứt điểm các điểm đổ rác tồn đọng lâu ngày tại đây. Bình quân mỗi ngày, đơn vị thu gom khoảng 30 tấn rác thải các loại. Tất cả lượng rác thu gom được vận chuyển và xử lý hết trong ngày nên cơ bản bảo đảm môi trường kinh doanh sạch sẽ trong khu vực chợ Ba Đồn và góp phần giữ gìn môi trường đô thị khang trang, sạch đẹp.
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa công tác vệ sinh môi trường và xử lý rác thải đi vào nền nếp, nhưng do điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng phát sinh trong cộng đồng dân cư, nên trên địa bàn thị xã vẫn xảy ra tình trạng tồn đọng tại một số điểm, như: khu vực chợ Quảng Hoà, cầu Máng (xã Quảng Văn), Hói Trường (xã Quảng Hoà), trên tuyến đường từ Quảng Văn đi Quảng Minh và trục đường 559...
Qua trò chuyện với ông Trần Trung Lâm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Ba Đồn, chúng tôi được biết thêm, hiện nay, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt sau thu gom tại các xã vùng Nam đều được xử lý bằng cách thiêu đốt thủ công hoặc chôn lấp tại chỗ. Riêng lượng rác thải phát sinh được thu gom từ các điểm tồn đọng không thể xử lý tại chỗ mà phải vận chuyển về bãi xử lý rác thải tại huyện Quảng Trạch với quãng đường từ 20 đến 35 km. Việc làm này vừa tốn chi phí vận chuyển, vừa tốn phí xử lý 56.000 đồng/tấn, tạo áp lực lớn trong việc cân đối nguồn thu phục vụ vệ sinh môi trường tại địa phương. Trước những bất cập trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án xây dựng đốt rác thải sinh hoạt các xã vùng Nam đặt tại xã Quảng Tiên và hiện nay đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Hy vọng dự án sẽ sớm được triển khai thực hiện và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương.
Hiền Chi