Thứ Năm, 16/1/2025
Nâng cao nhận thức bảo vệ nước sạch
Hoạt động vệ sinh ao, hồ ở Hà Nội.

Theo số liệu của Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI), Bộ Tài nguyên & Môi trường, tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 56 trạm quan trắc nước sạch, kết hợp 113 trạm quan trắc thủy văn trên cả nước. Các chương trình quan trắc nước được thực hiện với sự trợ giúp của nhiều máy móc, công nghệ tiên tiến, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Tuy vậy, công tác bảo tồn nguồn tài nguyên nước vẫn còn cần thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ. Bà Đặng Thị Nga, đại diện Chương trình rừng và đồng bằng Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu kết hợp khai thác và chặt phá rừng trái phép khiến rác thải từ đầu nguồn đổ xuống theo dòng chảy nước lũ, gây ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước sông, hồ, ao, suối ở đồng bằng. Do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, ngày càng nhiều công ty cung cấp nước sạch phải thêm thành phần hóa học để lọc nước sinh hoạt, đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân.

Trong khi đó, đại diện các tổ chức có mặt trong buổi thảo luận cùng chung nhận định rằng, việc hỗ trợ các hệ thống cảnh báo ô nhiễm ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Cần phải có nguồn lực lớn để đầu tư cho các công nghệ lý, hóa, sinh… mới có thể phân tích chính xác mức độ ô nhiễm của từng khu vực, vùng miền. Do vậy, có ý kiến đề nghị cần có biện pháp hỗ trợ từ các công ty, tổ chức của Mỹ trong lĩnh vực này.

Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, các quỹ hỗ trợ nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế, công tác bảo vệ nước sạch đã được chú trọng và tăng cường, song quan trọng hơn hết vẫn nằm ở sự thay đổi nhận thức của cộng đồng. Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) bày tỏ đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng, hoạt động bảo vệ nước sạch không phải bắt đầu từ các con số hay dữ liệu mà cần phải nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, giúp cộng đồng hiểu được tại sao phải bảo vệ nước sạch.

Tại Hà Nội, trước thực trạng nhiều ao, hồ trong địa bàn thủ đô bị ô nhiễm đến mức báo động, CECR đã triển khai nhiều chương trình dọn dẹp, vệ sinh ao, hồ ở các khu dân cư. Trong đó, chương trình làm sạch Ao Chéo (Quảng An, Tây Hồ) đã nhận được sự tham gia và đóng góp nhiệt tình của hội phụ nữ, tổ dân phố, khu dân cư và các tình nguyện viên. Qua đó giúp cư dân tại đây hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường nước.

“Giữ nước sạch không khó, nhưng làm ô nhiễm nước cũng rất dễ. Chỉ một hành động nhỏ như vứt rác bừa bãi là đã tiếp tay gây ô nhiễm môi trường sống. Nước có vai trò sống còn trong cuộc sống của con người và mọi sinh vật trên hành tinh. Bởi vậy, bảo vệ nguồn nước sạch là trách nhiệm của tất cả mọi người”, bà Lý chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết, từ năm 2010 đến 2017, CECR đã tổ chức đánh giá chất lượng nước tại 20 ao, hồ trên địa bàn Hà Nội, thực hiện các bản báo cáo về sông, hồ ở Hà Nội từ năm 2010 đến 2015, đồng thời tổ chức hàng loạt chiến dịch vệ sinh và nâng cao nhận thức về ô nhiễm nguồn nước tại nhiều địa phương trên cả nước, ngoài Hà Nội còn có Bắc Ninh, Sơn La, Quảng Nam, Bình Dương...

Nha Đam

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi