Thứ Tư, 1/1/2025
Những vấn đề đặt ra về nước thải môi trường làng nghề
 
Ô nhiễm môi trường làng nghề: Báo động SOS!
 
Theo thống kê, cả nước có trên 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Hoạt động sản xuất trong các làng nghề đã và đang có nhiều đóng góp vào ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động trong cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề chưa có quy hoạch hợp lý, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen với khu dân cư, công nghệ lạc hậu và thiếu ổn định, đã và đang gây ra những vấn đề môi trường trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất cũng như tác động trực tiếp tới sức khỏe của dân cư tại làng nghề.
Một số báo cáo khảo sát vừa qua cho biết, trong 52 làng nghề điển hình hiện nay đã có 53,8% số làng nghề có môi trường ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và có 19,2 ô nhiễm nhẹ. Đối với môi trường nước, các nhóm làng nghề đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Do các làng nghề cần sử dụng một lượng lớn nước cho quá trình sản xuất và chế biến, đồng thời thải ra một lượng lớn chất hữu cơ cũng như các tạp chất khác nên, nước thải từ  các làng nghề không những có lưu lượng lớn mà còn có nồng độ ô nhiễm khá cao, trong đó chủ yếu là chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Đáng báo động là thực trạng ô nhiễm nguồn nước tại các làng nghề Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng theo thời gian và nghiêm trọng. Đặc biệt, vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân ở vùng lân cận.
 
Theo Báo cáo môi trường quốc gia, chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% là từ bụi; 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất.
 
Kết quả khảo sát 52 làng nghề cho thấy, 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng; 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.
 
Ở Việt Nam, rất ít các làng nghề lương thực thực phẩm có hệ thống xử lý nước thải, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu.
Nước thải sản xuất cùng với nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi được tiêu thoát chung ra mương rãnh quanh làng rồi đổ ra ao hồ, đồng ruộng và sông ngòi gây tác động xấu tới nuôi trồng thủy sản cũng như sản lượng hoa màu.
 
Do nước thải với lưu lượng lớn, các mương rãnh, cống thoát lại không được bảo dưỡng thường xuyên nên có nhiều đoạn mương rãnh vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước thải và nước mưa bị bồi lắng do hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước thải cao, dòng chảy không lưu thông được đã bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Đó là kết quả của quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải do nước thải lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường không khí của làng nghề và có nguy cơ tiềm ẩn gây ra dịch bệnh cho người dân.
 
Mặt khác, nước thải từ hoạt động chăn nuôi không được xử lý dưới bất kỳ một hình thức nào các chất thải và nước thải từ hoạt động chăn nuôi cũng xả thẳng vào hệ thống tiêu thoát nước và các ao hồ nhỏ trong làng gây bồi lắng làm tắc nghẽn dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường hệ thống ao hồ nhỏ và khu vực xung quanh. Nước thải không xử lý gây ô nhiễm không chỉ đến nguồn nước mặt mà còn có tác động đến nguồn nước ngầm tại đây. Nguồn nước chủ yếu là nước giếng khoan cũng đang bị nhiễm bẩn do tác động của nước thải ngấm xuống đất ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.Từ những phân tích trên cho thấy do môi trường sống chịu nhiều tác động như vệ sinh công cộng không tốt, nước thải phân rác ứ đọng tạo điều kiện cho các ổ dịch bệnh phát triển, chuồng trại gia xúc không hợp vệ sinh, gần nhà ở, tăng ruồi, muỗi truyền bệnh.
 
Những con số giật mình
 
Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam là do các hợp chất  vô cơ độc hại như acid, bazo, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, nhất là tính chất của nước thải dệt nhuộm được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, không những gây tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho các người dân lân cận. Bên cạnh đó, các chất màu, xơ sợi... thường thấy ở các làng nghề dệt, tẩy nhuộm, sơn mài, ươm tơ... đã làm cho nước chuyển màu, tăng hàm lượng chất hữu cơ trong nước, gây mùi khó chịu, giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật thuỷ sinh, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.
 
Đơn cử như: Làng nghề Vân Chàng ở Nam Định có 14 bể mạ, hàng ngày thải trực tiếp ra sông Vân Chàng 40-50m3 nước thải chưa được xử lý, chứa nhiều hóa chất độc hại nguy hiểm như HCL, NaOH, Cr hay HCN… Kết quả phân tích nước thải cho thấy hàm lượng Cr6+ vượt 1,8 lần, Cu2+ vượt 1,7 lần, BOD và COD vượt TCCP 3- 4 lần, Niken vượt 8 lần, đặc biệt hàm lượng CN- trong nước thải vượt 65- 117 lần...
 
Làng nghề giấy tái chế Phong Khê, Bắc Ninh hằng ngày thải ra môi trường khoảng 5.000 m3 nước thải chứa nhiều độc tố gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Trong đó có nhiều loại độc tố có hàm lượng cao gấp hàng chục lần tiêu chuẩn cho phép, như: hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5 đến 11 lần; COD cao hơn từ 8 đến 500 lần; Pb cao hơn 5,5 lần… Cùng với đó, các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng K, giấy Phú Lâm,... góp một lượng lớn nước thải không qua xử lý xả thẳng vào hệ thống thủy nông. Sông Ngũ Huyện Khê khi chảy qua các làng nghề này đã tiếp nhận nước thải có chứa rất nhiều hoá chất như axit, xút, thuốc tẩy, phèn, phẩm màu… từ các làng nghề nên bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành kênh dẫn nước thải của hệ thống các làng nghề.
 
Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.
 
Tại làng nghề nấu rượu Phú Lộc (Hải Dương), toàn bộ nước thải của gần 200  hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh thủy nông chảy ngang qua thôn mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.  Còn ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng (Hải Dương), từ nhiều năm nay, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Hải Dương cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, Coliform vượt từ 11-19 lần, Amoni vượt từ 12-16 lần, Photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép.
 
Những ví dụ trên cho thấy, nước thải từ các làng nghề đã và đang gây ảnh  hưởng nghiêm trọng đến môi trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng. Hiện các làng nghề cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ chưa được cải tiến,  thiết bị thủ công, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, xưởng sản xuất lẫn vào khu dân cư; trong khi đó, để đầu tư một hệ thống chuyên xử lý nước thải làng nghề rất khó vì các hộ sản xuất không tập trung, địa phương cũng chưa có kinh phí để làm.
 
Tổng thể các giải pháp
 
Theo các chuyên gia, trước hết cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Cụ thể là, chú trọng công tác truyền thông về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trên loa phát thanh của xã, thôn.
 
Nâng cao năng lực công tác truyền thông môi trường trong  các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông.
 
Đa dạng hóa công tác truyền thông về môi trường nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi vốn đầu tư của địa phương vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, chú trọng xây dựng những quy  định, tiêu chuẩn cụ thể về môi trường cho các nhóm làng nghề.
 
Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đồng thời tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách quản lý môi trường cấp huyện và xã.
 
Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề, đảm bảo các nguồn lực về tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải ở khu vực nông thôn nhất là các làng nghề. Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án xử lý nước thải, thúc đẩy xã hội hóa công tác xử lý nước thải tại các làng nghề. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động xử lý nước thải làng nghề, kịp thời khen thưởng, động viên, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến… Đưa nội dung xử lý nguồn nước thải vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu  chuẩn xét khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
 
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.

Hoàng Phong

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất