Với
phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo
đài”, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất,
nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới đã phát huy vai trò của cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương và cán bộ, nhân dân trên địa bàn tham gia
tố giác tội phạm, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời với dịch bệnh
Covid-19. Phong trào đã thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đảm
bảo an ninh trật tự, nhất là ở địa bàn có vị trí đặc thù, phức tạp.
Tỉnh Kon Tum có 292,913km đường biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cùng nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, từ tháng 5-2020, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới, qua đó, huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch và chống xuất, nhập cảnh trái phép.
Theo đó, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Kon Tum đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào tại 13/13 xã với 99/99 thôn (làng) biên giới, vận động 16.231/16.231 hộ gia đình trên khu vực biên giới ký cam kết tham gia thực hiện phong trào, đạt 100%. Phong trào được cụ thể hóa bằng các mô hình như “Tổ tiếp nhận thông tin”, Hòm thư “Tố giác xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19” tại điểm sinh hoạt cộng đồng của các thôn (làng), khu vực trọng điểm và công khai số điện thoại của chỉ huy đồn Biên phòng. Qua đó, đã tiếp nhận, xử lý hàng ngàn tin do quần chúng cung cấp có liên quan đến hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Các đồn Biên phòng phối hợp với Công an, Dân quân các xã tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới, địa bàn, đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, khởi tố nhiều đối tượng tổ chức xuất cảnh trái phép.
Thành phố Đà Nẵng có 17 phường biên giới thuộc 5 quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng có cảng Tiên Sa là cảng hàng hóa, du lịch và âu thuyền, cảng cá Thọ Quang lớn nhất khu vực miền Trung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất, nhập cảnh trái phép qua đường biển. Xác định được điều này, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tuyên truyền, vận động các thuyền viên, chủ cơ sở kinh doanh tại cảng Tiên Sa ký tham gia phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới.
Theo đó, các thuyền viên, chủ cơ sở kinh doanh đã ký cam kết thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, đó là quy định về cách ly y tế, việc tự theo dõi sức khỏe, không giấu bệnh. Đặc biệt, mọi người dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi nhập cảnh trái phép, khi phát hiện người nhập cảnh trái phép, người ở vùng dịch, người lạ vào địa bàn hoặc người trốn khỏi khu cách ly tập trung sẽ báo ngay cho cán bộ BĐBP và chính quyền địa phương biết để kịp thời xử lý.
Từ khi triển khai phong trào, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ thông tin của quần chúng, ngày 7-10-2021, tổ công tác Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phát hiện bà Lê Thị Xì (trú tại xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) dùng ghe đò chở 14 người từ phía âu thuyền vào bờ để đón xe về Bình Định. 14 người này là thuyền viên từ 2 tàu cá ĐNa 91202 TS, do ông Trần Chiến (trú tại tổ 80, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) làm chủ và BĐ 94225 TS, do ông Trần Văn Thừa (trú tại xã Mỹ Thắng, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định) làm chủ, đang vào bờ. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, ngày 8-10, Đồn Biên phòng Sơn Trà đã ra quyết định xử phạt 2 chủ tàu ĐNa 91202 TS và BĐ 94225 TS, mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng và 14 thuyền viên trên cũng buộc phải quay lại tàu cho đến khi có thông báo xuất bến đi biển.
Tại Kiên Giang, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên duy trì 53 chốt cố định, 4 tổ cơ động, 3 ca nô cao tốc để thực hiện nhiệm vụ và ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, vùng biển. Có cửa khẩu quốc tế, quản lý cả đường biên giới trên bộ, trên biển và địa bàn luôn được coi là “nóng bỏng” về buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, bởi vậy, theo Trung tá Đỗ Thanh Tùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới hết sức có ý nghĩa.
Với cách làm sáng tạo, như: Tổ chức tuyên truyền, cho người dân ký cam kết thực hiện, đồng thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm đến các hộ gia đình khó khăn, khen thưởng cá nhân tích cực, phong trào đã được triển khai sâu rộng tại địa bàn. Năm 2021, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã phát hiện, xử lý 2 vụ, 3 đối tượng có hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 65 vụ, 3 đối tượng có hành vi vận chuyển 115.042 bao thuốc lá điếu nhập lậu; lập biên bản 1.541 đối tượng có hành vi “Qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định”. Cũng theo Trung tá Đỗ Thanh Tùng, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ phát huy tốt vai trò của quần chúng tham gia tố giác tội phạm, tỷ lệ vi phạm về xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu đã giảm hẳn, qua đó, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
(bienphong.com.vn)