Là địa phương đầu tiên trong
cả nước triển khai thực hiện mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng”
tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, với cách làm sáng tạo, hiệu quả, tỉnh
miền núi Hòa Bình đã bước đầu thu được những kết quả tích cực…
Từ chủ trương bám sát thực tiễn…
Do
nhiều nguyên nhân khác nhau nên những năm trước đây, các bản, làng ở
địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình vẫn trong tình trạng kinh tế
chậm phát triển; năng suất lao động thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ
tầng, đường làng, ngõ xóm còn nhiều hạn chế. Đồng thời, do trình độ dân
trí của một bộ phận người dân còn thấp, nhiều nơi còn tồn tại những hủ
tục lạc hậu nên dễ bị các phần tử xấu lôi kéo, gây ảnh hưởng không nhỏ
tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an
ninh.
Bám
sát đặc điểm đó, từ năm 2009, Hòa Bình bắt đầu triển khai thực hiện mô
hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” trên cơ sở vai trò nòng cốt của
các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự trong tỉnh. Theo đó, thời gian đầu,
tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình điểm tại 02 xóm là: Xóm Bãi Tam (xã Đú
Sáng, huyện Kim Bôi) và xóm Nội (xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn). Các mô hình
được thực hiện với 4 mục tiêu: “Bản, làng ấm no không còn đói nghèo –
Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh – Gia đình hòa thuận, con cháu
thảo hiền – Làng xóm yên vui”. Cơ quan quân sự huyện Kim Bôi và huyện Kỳ
Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác
lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể;
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, ban, ngành; huy động các
nguồn lực tại chỗ để xây dựng mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng”.
Có
mặt tại xóm Bãi Tam, xã Đú Sáng, chúng tôi cảm nhận rõ hiệu quả từ việc
xây dựng “Bản, làng văn hóa – quốc phòng”. Trên cơ sở phát huy tốt sức
mạnh tổng hợp của các lực lượng, đời sống của bà con dân tộc Mường ở Bãi
Tam đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ
gần 50% xuống còn 21,4%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so
với năm 2009. Các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi, không còn tình trạng
tảo hôn, sinh con thứ 3… “Mô hình bản, làng văn hóa – quốc phòng" đã
thực sự tạo nên sự đổi thay toàn diện trong đời sống của bà con. Mọi
người đoàn kết, gắn bó với nhau hơn trong các sinh hoạt cộng đồng” - ông
Bùi Văn Tặng, Trưởng xóm Bãi Tam phấn khởi chia sẻ.
Từ
kết quả xây dựng thí điểm, Hòa Bình đã mạnh dạn mở rộng phạm vi thực
hiện với 18 mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” tại các địa bàn đặc
biệt khó khăn. Theo Đại tá Bùi Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ
chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình cho biết: “Phát huy truyền thống đoàn kết,
gắn bó với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh đã
nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực tham gia xây dựng các “Bản, làng văn
hóa – quốc phòng”. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các đơn vị
đã góp phần quan trọng trong xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường
tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ Tỉnh”.
|
Lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh QĐ |
Đến những hiệu quả tích cực
Với
phương châm “Kiên trì, bước đi vững chắc, nhân dân ủng hộ, cán bộ đi
đầu”, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, mô hình “Bản, làng
văn hóa – quốc phòng” đã ngày càng khẳng định rõ hiệu quả trong thực
tiễn.
Hiệu
quả nổi bật nhất từ mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” ở Hòa
Bình, đó là: Các ban, ngành, lực lượng tham gia mô hình đã thiết thực
giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Các cơ quan chức năng
đã phối hợp cùng tổ chức hơn 50 buổi tuyên truyền, tư vấn về khuyến
nông, khuyến lâm; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; về
giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ… Lực lượng dân quân đã phát
huy tốt vai trò nòng cốt, trực tiếp cùng người dân tiến hành quy hoạch
vườn rừng, cải tạo 30 vườn tạp, 15 ao thả cá, trồng gần 1.100 cây ăn quả
các loại; xây dựng 59 chuồng trại gia súc, gia cầm. Tại các “Bản, làng
văn hóa – quốc phòng” đã hình thành hàng chục mô hình kinh tế hộ gia
đình “vườn – ao – rừng”, “vườn – ao – chuồng”… có hiệu quả cao. Điển
hình là tại các xóm: Bãi Tam (xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi), xóm Quốc (xã
Phú Minh, huyện Kỳ Sơn), xóm Mời Mít (xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình)…
Song
song với đó, mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” còn góp phần quan
trọng trong xây dựng môi trường bản, làng xanh, sạch, đẹp và xây dựng
đời sống văn hóa. 5 năm qua, nhân dân tại 18 mô hình “Bản, làng văn hóa –
quốc phòng” của Hòa Bình đã tình nguyện hiến trên 14.000 m2 đất để làm
đường giao thông nông thôn; làm mới 13,9 km đường bê tông; nâng cấp 7,25
km đường cấp phối; phát quang hơn 20 km đường liên xóm; xây mới gần 400
nhà vệ sinh; di dời trên 370 chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các mô
hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” cũng được thực hiện có hiệu quả.
Các bản, làng thực hiện mô hình đều đã thành lập được các đội văn nghệ,
đội bóng chuyền… Các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống và các thiết
chế văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp đã được bảo tồn, giữ gìn và
phát huy. Hàng năm, các “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” đều có trên 80%
hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”.
Cũng
từ việc xây dựng các “Bản, làng văn hóa – quốc phòng”, thế trận quốc
phòng toàn dân tại cơ sở đã không ngừng được củng cố và tăng cường. Với
mục tiêu “làng, xóm yên vui”, các tổ chức cơ sở ở từng bản, làng đều
được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Đến đầu năm 2015, 18/18
bản, làng đều tổ chức xây dựng được các Tổ dân quân thường trực và Tổ
an ninh tự quản. Đây chính lực lượng nòng cốt trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia phát triển kinh tế ở địa phương.
Những
hiệu quả bước đầu từ mô hình “Bản, làng văn hóa – quốc phòng” ở Hòa
Bình đã trực tiếp thắt chặt mối đoàn kết máu thịt quân - dân, góp phần
xây dựng thế trận lòng dân ở cơ sở; đồng thời, góp phần cải thiện đời
sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ở địa bàn vùng sâu,
vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ghi nhận những kết quả đó, Bộ
Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình đã được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng
khen “Đơn vị có mô hình dân vận khéo”.
Được biết, trong thời
gian tới, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định nâng cấp thành Đề án xây dựng
“Bản, làng văn hóa – quốc phòng – an ninh” để tiếp tục triển khai nhân
rộng trên phạm vi toàn tỉnh./.
Nguồn: dangcongsan.vn/ Tạ Quang Đạo, ngày 10/8/2015