Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23/8/2015

Chính phủ cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định

Tạp chí Forbes Việt Nam đã tổ chức diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ hai với chủ đề “Vượt lên dẫn đầu” - tập trung vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu là lãnh đạo, quản lý cao cấp doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phó Thủ tướng cho biết kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt được mức tăng trưởng hợp lý, đi liền với quyết tâm cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. “Đây là những cơ hội, điều kiện quan trọng để nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh tại Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ Việt Nam là kiên trì theo đuổi ổn định vĩ mô, trên cơ sở đó đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và Việt Nam có đầy đủ khả năng, nguồn lực thực hiện thành công việc này.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tham gia thị trường chung của thế giới, phù hợp với cam kết của Việt Nam với thế giới và luật pháp Việt Nam; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan, thuế, bảo hiểm, quản lý đất đai, đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Nếu có vấn đề gì vướng mắc, chúng tôi sẵn sàng nghe các ý kiến thông qua các cuộc đối thoại. Chính phủ Việt Nam coi thành công của các bạn là thành công của chính mình và khó khăn của các bạn là khó khăn của chính chúng tôi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 5 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28-8-1945 - 28-8-2015), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chia sẻ về nhiệm vụ của Bộ trong thời gian tới.

Thứ nhất, về cải cách hành chính nhà nước: Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm bộ máy công vụ hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ thẩm quyền một cơ quan xử lý và chịu trách nhiệm đối với từng thủ tục hành chính. Bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy nhanh việc áp dụng Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Thứ hai, về cải cách chế độ công vụ, công chức: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó đẩy nhanh việc xác định vị trí việc làm. Hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức. Đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó và chức danh “hàm”.

Thứ ba, về tổ chức bộ máy và biên chế: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách để triển khai quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ một cách đồng bộ; tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các quy định về đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Thứ tư, về tổ chức chính quyền địa phương: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.

Thứ năm, về chính sách tiền lương: Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào thời điểm thích hợp.

Ngành Tài chính: Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020

Bộ Tài chính cho biết, Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ chính.

Cụ thể, về cải cách thể chế, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thuế đồng bộ, cơ cấu bền vững, có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý các nguồn thu ngân sách nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý về phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.

Về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính; tiếp tục cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính; đơn giản hóa và công khai hóa quy trình, thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan bằng hoặc vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6…

Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nghiên cứu, thí điểm và áp dụng mô hình quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm, chứng khoán.

Đối với xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ; phân cấp thẩm quyền quản lý công chức, viên chức gắn với việc tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật.

Về cải cách tài chính công, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính qua việc tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi cơ chế, chính sách thuế, phí, lệ phí để tăng cường công tác thu ngân sách đạt 21-23% GDP, tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí lệ phí bình quân tăng 16-18% cả năm.

Về hiện đại hóa hành chính, công bố danh mục các dịch vụ hành chính công trên mạng thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan, đơn vị; thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4 (thực hiện 100% khai, nộp và hoàn thuế điện tử), vận hành ổn định hệ thống thông quan tự động (VINACCS/VCIS); đến năm 2020, thực hiện mô hình hải quan một cửa quốc gia trên toàn hệ thống các đơn vị ngành hải quan và hoàn thành đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Quy định mới về chức năng, cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ

Liên Bộ Ngoại giao và Nội vụ vừa ban hành Thông tư Liên tịch số 02/2015/TTLT-BNG-BNV (thay thế Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT-BNG-BNV) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về vị trí và chức năng của Sở Ngoại vụ, Quy định mới nêu rõ, Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (sau đây gọi chung là công tác đối ngoại) của địa phương; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ có thêm chức năng mới là tham mưu cho cấp ủy Đảng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chủ trương hội nhập quốc tế, định hướng mở rộng quan hệ và triển khai toàn diện công tác đối ngoại của địa phương; tổ chức, quản lý công tác đối ngoại Đảng tại địa phương theo các quy định của Đảng.

Thông tư mới quy định 23 nội dung về nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Ngoại vụ thay cho 20 nội dung tại quy định cũ, trong đó đã bổ sung chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác đối ngoại.

Sở Nội vụ Hải Phòng: Tham mưu cải cách hành chính và các dịch vụ công

Ngày 22-8, Sở Nội vụ Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước, 60 năm thành lập Sở và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Sở Nội Hải Phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nổi bật là tham mưu lĩnh vực cải cách hành chính. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính ở Hải Phòng đã góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút được nhiều dự án đầu tư, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, phát triển.

Đồng thời, công tác tuyển dụng công chức, viên chức có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Sở Nội vụ đã tham mưu cho thành phố ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chọn chức danh Trưởng phòng, Phó phòng các cơ quan chuyên môn UBND thành phố, quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp; thi tuyển Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn; đồng thời Sở tham mưu thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng đẩy mạnh đưa công chức đi đào tạo ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác cán bộ...

Việc tham mưu đúng, trúng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm của Sở Nội vụ Hải Phòng là điểm nhấn đột phá để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn thành phố trong từng giai đoạn cụ thể, góp phần thúc đẩy việc xây dựng, phát triển Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, văn minh hiện đại trước năm 2020./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn/ Đức Toàn, ngày 24/8/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất