|
Đường Thống Nhất nối dài giải phóng mặt bằng đến đâu
thành phố Vũng Tàu yêu cầu chủ đầu tư triển khai thi công đến đó
|
Với tinh thần gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân cùng với công tác “dân vận khéo” đã giúp các địa phương nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.
Tính đến thời điểm giữa tháng 12, huyện Đất Đỏ đã và đang triển khai thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 12 dự án với tổng diện tích đất thu hồi hơn 814.800 m2, liên quan đến 1.356 hộ dân, tổ chức bị thu hồi đất. Với nhiều khó khăn trong thực hiện dự án, UBND huyện xác định giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng nhất, quyết định đến 50% tiến độ triển khai dự án. Vì vậy, huyện yêu cầu các cấp, ngành liên quan tập trung cao để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đến nay, UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng và bàn giao cho chủ đầu tư hơn 783.000 m2 đất. Để có được kết quả đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, nơi gần dân, sát dân nhất nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng, hạn chế thấp nhất việc phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Cụ thể, Dự án Cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp Khu du lịch Thùy Dương đến ngã ba Long Phù, thị trấn Phước Hải và Dự án Nâng cấp Tỉnh lộ 44B thuộc địa phận 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ (đoạn từ ngã ba Bàu Ông Dân đến Tỉnh lộ 52), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đồng thuận, ủng hộ. Đến nay, 450/481 hộ dân đã bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án. Hiện các cấp, các ngành đang tiếp tục vận động người dân khẩn trương hoàn tất các thủ tục, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Điểm nổi bật ở Đất Đỏ là quá trình tuyên truyền, vận động quy mô, ý nghĩa, mục đích triển khai từng dự án, cùng lộ trình thực hiện đến chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư luôn được thông tin chi tiết, cụ thể đến mọi tầng lớp nhân dân, bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở - nơi gần dân và hiểu dân nhất được phát huy, nhờ đó công tác giải phóng mặt bằng của các dự án luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Ông Huỳnh Văn Chính (ở ấp Mỹ Thuận) có mảnh đất vườn với gần 50 gốc nhãn cho thu nhập ổn định song vẫn sẵn lòng nhận bồi thường và bàn giao hơn 400m2 đất cho địa phương thực hiện tuyến đường 44A sau khi được đại diện các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Trước đây, vào nhà ông Chính chỉ có con đường nhỏ đi qua, nay ngôi nhà mới của ông sẽ nằm ở mặt tiền đường 44A, là điều mà gia đình mong đợi đã lâu nên ông càng đồng thuận triển khai dự án.
Đồng chí Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ chia sẻ, ở nhiều địa phương, việc thực hiện các dự án thường vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác này có những khó khăn nhất định, quan trọng là trong quá trình thực hiện phải vận dụng các quy định của pháp luật, làm sao để người dân có lợi nhất. Tại huyện Đất Đỏ, nếu việc triển khai dự án không nhận được đồng thuận của người dân, địa phương thành lập các tổ công tác đến tận nhà để tuyên truyền và giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu.
“Thời gian tới, huyện Đất Đỏ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt chính sách và quy trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên nguyên tắc tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và cơ quan đoàn thể các cấp trong tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ các dự án nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, đồng chí Hồng nói.
Thị xã Phú Mỹ cũng là địa phương có nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia và của tỉnh đi qua như: Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dự án cầu Phước An, đường 991B, Dự án đường Long Sơn – Cái Mép, Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ... Đến nay còn 2 dự án là Thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đang tiếp tục công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Trong đó, Dự án Thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là dự án trọng điểm lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh cũng như thị xã Phú Mỹ, số hộ dân bị thu hồi đất cũng nhiều nhất từ trước đến nay. Riêng tại thị xã Phú Mỹ, có 1.062 hộ và tổ chức bị thu hồi đất. Dự án đi qua 4 xã, phường gồm phường Mỹ Xuân, Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và Châu Pha, với tổng diện tích đất bị thu hồi là 114,75 ha. Tính đến nay, 1.005 hộ dân đã được chi trả tiền đền bù giải phóng mặt, có 109,82ha đất của các hộ, tổ chức đã bàn giao mặt bằng dự án, đạt 96%. Điều đáng nói, trong số diện tích đất đã bàn giao cho Nhà nước, có nhiều trường hợp hộ dân chưa nhận tiền đền bù nhưng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Để có được sự đồng lòng ủng hộ của người dân, chính quyền các cấp đều xác định khâu tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, mục đích dự án, chính sách bồi thường là khâu then chốt, đặc biệt quan trọng nhất. Đây cũng là khâu cần sự hợp lực nhiều nhất, bền bỉ, kiên trì nhất của các cấp từ xã, phường đến các thôn, ấp, tổ dân cư, trong đó Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể giữ vai trò nòng cốt. Mạng lưới tuyên truyền viên cũng được xây dựng rộng khắp gồm cán bộ cơ sở am hiểu địa bàn, người có uy tín trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Bá Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ cho biết, Dự án Thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa bàn xã Tóc Tiên có 465 hộ, với 58ha đất bị thu hồi để giải phóng mặt bằng. Ngay khi nhận nhiệm vụ, công tác dân vận bàn giao đất được UBND xã đặc biệt quan tâm, chú trọng, rốt ráo triển khai.
UBND xã đã chỉ đạo, phân công cán bộ, đảng viên, các hội, đoàn thể đi tới từng nhà vận động các hội viên, đoàn viên của chi hội; sau đó, phân công các cấp ủy viên phụ trách địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án. Lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền của địa phương thường xuyên khảo sát thực địa, tiếp xúc trực tiếp với các cá nhân, nhất là các trường hợp cá biệt, hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân cùng với công tác “dân vận khéo” đã giúp các địa phương nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng”, đồng chí Nguyễn Bá Lý chia sẻ.
Đến nay, 98% diện tích đất thu hồi giải phóng mặt bằng đã được người dân bàn giao cho đơn vị thi công, trong đó có 18 hộ, với diện tích 17ha đã chủ động bàn giao đất trước khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông Đỗ Văn Bên, người dân ngụ ấp 5, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ có gần 1.400m2 trồng tràm cho thu nhập ổn định, phần diện tích đất này nằm trọn vẹn trong phần Dự án Thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Qua công tác vận động của địa phương, nhất là Tổ trưởng Tổ dân cư cũng như các hội, đoàn thể, ông đã nhận thấy tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như địa phương. Nhờ đó, ngay sau khi địa phương thực hiện kiểm kê tài sản trên đất và diện tích đất của gia đình xong, ông đã ký vào biên bản bàn giao đất trước khi nhận tiền đền bù.
“Tôi có mong muốn cao tốc nhanh chóng được triển khai để quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hơn nữa, nên tôi rất đồng thuận với dự án, góp chút việc nhỏ để dự án không gặp nhiều vướng mắc khi triển khai”, ông Bên chia sẻ.
Đồng chí Trần Thị Diệp. Phó Trưởng Ban Dân vận thị xã Phú Mỹ chia sẻ, thực hiện các nhiệm vụ được Thị ủy giao, năm 2023, Ban Dân vận chủ động, khẩn trương thực hiện công tác vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng và nhân rộng thành mô hình dân vận khéo. Ban Dân vận đã thành lập các đoàn đi vận động trực tiếp các hộ dân, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe, phân tích, thuyết phục, xem xét hoàn cảnh gia đình, vị trí, khu vực áp dụng chính sách đền bù để kiến nghị giải quyết thỏa đáng cho người dân.
Trường hợp chưa hợp tác bàn giao mặt bằng, đơn vị phối hợp với địa phương thực hiện phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì vận động, giải thích, tuyên truyền cặn kẽ những chủ trương, chính sách của Nhà nước cho các hộ dân, để họ hiểu tầm quan trọng của các dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ kết hợp các mô hình “dân vận khéo”, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án đã đồng ý ký biên bản bàn giao đất trước khi thực hiện dự án”, đồng chí Diệp nói.
(TTXVN)