Thứ Bảy, 30/11/2024
Quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng đối với kinh tế - xã hội của đất nước
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TRẦN HẢI

Đầu giờ làm việc buổi sáng, trước khi thảo luận và chất vấn, QH nghe: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015; Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín của QH và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến năm 2015.

Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH về việc thực hiện các Nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 được gửi tới các đại biểu QH nghiên cứu.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận và chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Đây là phiên họp cuối cùng về hoạt động chất vấn, giám sát hoạt động chất vấn của QH khóa XIII. Nội dung chất vấn rất tổng hợp, toàn diện tình hình của đất nước. Bên cạnh đó, đối tượng chất vấn của QH trong kỳ họp này rất rộng, không chỉ các thành viên Chính phủ mà còn cả Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, trưởng các ngành. Mục đích là đánh giá yêu cầu của QH trong hoạt động giám sát và chất vấn đã được tổ chức thực hiện như thế nào, qua đó thúc đẩy hoạt động bộ máy nhà nước từ T.Ư đến địa phương, thiết thực phục vụ yêu cầu của nhân dân và cử tri cả nước. Đồng thời xem xét những vướng mắc và những vấn đề cần giải quyết, cần làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, QH cũng xem xét hiệu quả hoạt động chất vấn, giám sát của QH trong thời gian qua. Mục đích của thảo luận, chất vấn không phải là làm vấn đề trở nên căng thẳng mà cần nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết tốt những vấn đề đặt ra, để đồng bào, cử tri cả nước thấy được hoạt động của QH rất thiết thực, đem lại kết quả cụ thể.

Chính phủ nỗ lực giải quyết những vấn đề nóng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã gửi đến các vị đại biểu QH 17 Báo cáo kết quả thực hiện 7 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 7 Nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của QH và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ những kết quả thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn ở 17 lĩnh vực, trong đó, nêu rõ những việc đã làm được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý là, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao. Cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc giải quyết đất ở và đất sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân tái định cư các dự án thủy điện còn khó khăn; một số dự án nguồn điện chậm tiến độ; chất lượng hệ thống lưới truyền tải điện còn hạn chế. Nhập siêu trở lại. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu; sản xuất nông nghiệp nhìn chung hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh; tiêu thụ nông sản và đời sống một bộ phận người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và bảo đảm vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến nông sản còn bất cập...

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản một số nơi còn lãng phí, hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai còn nhiều, xử lý chưa nghiêm, gây thất thoát ngân sách. Ô nhiễm môi trường, nhất là tại làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông cải thiện chậm. Thực trạng tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; chưa khắc phục tốt tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn. Quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch ở nhiều địa phương còn yếu kém. Chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn gây nhiều bức xúc.

Một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch vẫn còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử; một số hoạt động lễ hội phản cảm, lãng phí; những lệch lạc trong sáng tác, biểu diễn. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động văn hóa còn bất cập. Nhiều công trình thể thao sử dụng không đúng mục đích. Sai phạm trong hoạt động báo chí còn nhiều; việc ngăn chặn thông tin sai trái, độc hại trên các trang tin điện tử, mạng xã hội rất khó khăn; việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác, sim rác. Lĩnh vực tư pháp: việc chuẩn bị một số dự án Luật, Pháp lệnh vẫn còn chậm. Còn tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Một số quy định thiếu tính khả thi, chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính chưa cao.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn. Vẫn còn xảy ra nhiều vụ khiếu kiện đông người, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường. Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt các quy định của Luật Tiếp công dân. Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng tuy có khá hơn nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Tình hình trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn vẫn còn phức tạp, đã xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật; còn bị động trong xử lý một số trường hợp gây rối trật tự công cộng.

Nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tư pháp

Đối với TANDTC, các nội dung của các Nghị quyết QH và Ủy ban TVQH về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề: kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng; rà soát các trường hợp đã xét xử có mức án hơn 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình nhưng có đơn kêu oan… TANDTC đã đề ra và chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt ba giải pháp mang tính đột phá: tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Về trả lời chất vấn của đại biểu QH: Từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII, Chánh án TANDTC nhận được tổng số 52 chất vấn của 47 đại biểu QH. Sau khi nhận được các văn bản chất vấn của các đại biểu QH, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết để trả lời các đại biểu QH, đồng thời, gửi văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu QH đến Văn phòng QH. Tính đến hết tháng 11-2014 (sau kỳ họp thứ tám), Chánh án đã trả lời hết 52 chất vấn của 47 đại biểu QH. Việc xem xét, nghiên cứu trả lời văn bản chất vấn của các đại biểu QH được Chánh án TANDTC thực hiện khẩn trương với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm; nội dung trả lời cụ thể, đúng trọng tâm. Chánh án TANDTC đã nghiêm túc tiếp thu các chất vấn của đại biểu QH để nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác và lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác; từng bước nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của TAND các cấp, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các Nghị quyết của QH, Nghị quyết, kết luận của Ủy ban TVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn còn một số hạn chế, như: Một số Tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao... Việc thực hiện trả lời chất vấn có trường hợp chưa được thực hiện ngay do cần có thời gian kiểm tra, xác minh, nhất là đối với chất vấn về vụ án cụ thể.

Qua tám kỳ họp của QH khóa XIII, Viện trưởng VKSND tối cao nhận được nhiều kiến nghị của cử tri, của Đoàn đại biểu QH một số địa phương, nhận được các đề nghị giải trình một số vấn đề và một số vụ án cụ thể của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ QH, tuy nhiên đối với chất vấn bằng phiếu thì trong nhiệm kỳ QH khóa XIII, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ nhận được 41 chất vấn của đại biểu QH. Các đại biểu tập trung chất vấn vào các vụ án cụ thể (23 chất vấn) trong đó chủ yếu là đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại vụ án và kháng nghị giám đốc thẩm; ngoài ra có 30 chất vấn trước kỳ họp thứ năm tập trung đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao làm rõ những giải pháp của ngành trong việc xây dựng ngành, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó đại biểu quan tâm đến những vấn đề như: phòng chống án tham nhũng, kiềm chế tội phạm gia tăng, vấn đề kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành,...

Ngay sau khi tiếp nhận chất vấn, Viện trưởng VKSND tối cao đã khẩn trương nghiên cứu, chỉ đạo kiểm tra nắm chắc tình hình vụ việc cụ thể và trả lời đầy đủ, đúng thời hạn tất cả các chất vấn của đại biểu. Nội dung văn bản trả lời đều trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu; đồng thời đã chuẩn bị đầy đủ số liệu cùng đánh giá để giải trình rõ thêm một số vấn đề để đại biểu nắm rõ hơn, đúng trọng tâm các chất vấn của đại biểu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một số chất vấn, nhất là đối với những chất vấn liên quan đến vụ án cụ thể, trong phạm vi trách nhiệm của ngành, Viện trưởng VKSND tối cao chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một số đại biểu QH (nhất là việc kháng nghị giám đốc thẩm) vì nhiều lý do khách quan, như: hồ sơ vụ án đang do Tòa án quản lý; có những vụ, việc xảy ra đã lâu, điều kiện để thẩm tra, thẩm định giúp cho việc trả lời được chính xác gặp nhiều khó khăn cho nên đã ảnh hưởng đến thời gian, căn cứ để ra quyết định...

Giải đáp, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến QH 2.365 kiến nghị, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo việc phân loại, xử lý các kiến nghị trùng lặp, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 1.676 kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nội dung cử tri kiến nghị về hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề, như: triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới: đề nghị tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, điều chỉnh một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp với tính chất của các vùng, miền; có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người dân về vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh; có biện pháp tích cực trong việc giải quyết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường...

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 123/123 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín; trong đó, đã tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; hoạt động giám sát và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Từ sau kỳ họp thứ chín đến nay, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 1.500/1.500 kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ 100%. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, cơ quan của QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp thu, trả lời đầy đủ 100% số kiến nghị nhận được, trong đó một số bộ, ngành khi nhận được kiến nghị của cử tri đã tổ chức nghiên cứu, có văn bản trả lời ngay sau kỳ họp QH; việc phân định những kiến nghị phải giải quyết với thông tin, giải trình cho cử tri đã được một số bộ, ngành phân định rõ ràng, rành mạch hơn, được cử tri đồng tình, đánh giá cao, giúp cho hiệu quả quản lý nhà nước của bộ, ngành được nâng lên.

Cùng với việc giải quyết, trả lời kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ chín, QH đã tích cực rà soát các kiến nghị tại kỳ họp trước để tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, đến nay nhiều bộ, ngành đã giải quyết xong các kiến nghị hứa sẽ giải quyết tại các kỳ họp trước, không để tồn đọng; các kiến nghị chưa thể giải quyết ngay cũng đã được nghiên cứu, tiếp thu để giải quyết tổng thể trong quá trình ban hành chính sách.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín còn chậm; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn sơ sài, nội dung chưa rõ ràng; chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết đối với các kiến nghị sẽ giải quyết; một số kiến nghị liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được bộ, ngành trả lời đầy đủ đúng với nội dung cử tri kiến nghị. Một số báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ QH nội dung còn chưa đầy đủ theo yêu cầu, còn sử dụng số liệu cũ, chưa bám sát nội dung kiến nghị cho nên khó khăn cho việc đánh giá kết quả thực hiện như báo cáo về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; về chế độ chính sách đối với cán bộ cấp xã và người không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; về kết quả thực hiện giải quyết khó khăn cho người dân sau tái định cư khi thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện... Việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời cử tri của một số bộ, ngành còn để tồn đọng nhiều.

Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngay sau khi nghe các báo cáo, đã có năm vị đại biểu QH nêu ý kiến và đặt câu hỏi chất vấn đối với các bộ trưởng về các vấn đề: bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế; nâng cao năng suất lao động; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hàm lượng hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật; chất lượng cải cách chương trình, sách giáo khoa bậc phổ thông, thay đổi phương thức học môn lịch sử...

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH. Về vấn đề trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện, Bộ trưởng thừa nhận có tình trạng chậm triển khai và có sự “vênh” nhau giữa số liệu của Bộ với Bộ Công thương vì thời điểm thống kê số liệu khác nhau. Hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để rà soát và báo cáo con số thống nhất với QH. Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Thông tư 21 quy định: Chỉ đăng ký 1 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật là chưa hợp lý, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị nhưng không được xem xét; Bộ trưởng giải trình: Bộ đã từng cho phép lưu hành 4.100 tên gọi thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất khác nhau. Qua thực tế, Bộ nhận thấy như vậy là quá nhiều và gây khó khăn cho người nông dân trong việc lựa chọn thuốc phù hợp với cây trồng. Bên cạnh đó, có tình trạng doanh nghiệp đã tự ý thay đổi tên gọi thuốc khi hoạt chất có dấu hiệu xuống cấp... Chính vì vậy, Bộ đã chủ trương siết chặt việc đăng ký tên thuốc. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến để xem xét vấn đề đại biểu QH nêu ra. Cùng tham gia trả lời về việc trồng bù diện tích rừng thu hồi cho thủy điện, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trồng bù rừng. Bộ sẽ giám sát hoạt động này, nếu không đơn vị nào thực hiện sẽ xử lý vi phạm theo quy định.

Về cụ thể hóa các chính sách để phát triển ứng dụng KHKT trong sản xuất công nghiệp, Bộ trưởng Công thương cho biết, từ năm 2011 đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu công nghệ mới đã được áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ như đóng giàn khoan của ngành dầu khí; sản xuất phụ tùng phục vụ nhà máy nhiệt điện; sản xuất phân bón... Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn và cần tiếp tục được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Buổi chiều, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) về việc dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, Lịch sử có còn là môn học độc lập hay tích hợp với một số môn khác trở thành môn Công dân với Tổ quốc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện nay dư luận đang rất quan tâm môn Lịch sử vì không thấy tên môn này trong chương trình bậc trung học phổ thông (THPT). Bộ không coi nhẹ môn Lịch sử mà còn coi trọng môn này hơn so với chương trình hiện hành. Hiện nay, bậc THPT đang dạy 1,5 tiết lịch sử/tuần nhưng theo thiết kế dự thảo, học sinh không học chuyên ban khoa học xã hội sẽ có 2,5 tiết/tuần. Học sinh chuyên ban sẽ học tăng 4 tiết/tuần, như vậy nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử sẽ tăng lên.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban soạn thảo chương trình đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu, báo cáo lên Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Hội đồng Giáo dục quốc gia, Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của QH và báo cáo QH. Bộ trưởng khẳng định: Đây là việc hệ trọng. Nếu việc tích hợp không bảo đảm, coi nhẹ môn Lịch sử, thì sẽ không tích hợp, trong trường hợp vẫn bảo đảm thì vẫn tiến hành tích hợp. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi với các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu lịch sử về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét, kỳ thi chung tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 vừa qua đầy áp lực, căng thẳng và đặt câu hỏi dựa trên cơ sở nào Bộ Giáo dục khẳng định kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, giúp tiết kiệm, giảm áp lực với toàn xã hội? Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, so với việc tổ chức hai kỳ thi thành bốn đợt, trung bình mỗi học sinh sẽ phải thi 12 môn. Với việc tổ chức kỳ thi chung, học sinh chỉ phải thi tối đa tám môn, phổ biến là năm môn. Như vậy đã giảm bớt áp lực thi cử. Việc thi tại chỗ, thay đổi hướng ra đề thi theo hướng hạn chế học vẹt thành hướng kiểm tra tư duy, năng lực của học sinh, đã chấm dứt gần như tuyệt đối tình trạng các lò luyện thi tại các thành phố lớn. Tình trạng phao thi trắng sân trường sau mỗi môn thi đã hạn chế rõ rệt.

Tiếp đó, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về sai phạm của Ban Quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước). Trong đó, đại biểu đặt ra câu hỏi hai cá nhân Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Phó ban Quản lý chợ Đồng Xoài) có bị xử oan hay không? Nếu oan thì có tiến hành bồi thường thiệt hại không? Tại sao để vụ việc kéo dài gần mười năm? Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, sở dĩ vụ án kéo dài là do đơn thư của các bị can và việc trả lời từ phía Viện Kiểm sát được coi rằng chưa thỏa đáng. Kết luận của liên ngành tỉnh Bình Phước và công văn trả lời đại biểu Hùng của VKSNDTC cùng một nội dung: Việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can là có căn cứ, là đúng nhưng trong trường hợp này không phải đình chỉ vô tội, nên không có việc phải bồi thường oan sai. Việc oan sai chỉ được bồi thường nếu người liên quan hoàn toàn không có vi phạm gì.

Tiếp tục trả lời đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về trường hợp bị can Trần Thị Hải Yến bị chết trong quá trình tạm giam hai năm chưa có kết luận cuối cùng, đề nghị Viện trưởng làm rõ và trả lời câu hỏi, bao giờ vụ án được làm sáng tỏ và giải quyết dứt điểm. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết: Bị cáo Trần Thị Hải Yến bị bắt giam vì tội cố ý gây thương tích trong khi đánh nhau với hàng xóm. Tòa sơ thẩm xét xử tuyên án hơn hai năm tù giam. Do bị cáo Yến kháng cáo kêu oan, tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Trong quá trình mở phiên phúc thẩm, bị cáo bị chết trong quá trình giam giữ. Giám định pháp y kết luận bị cáo tự sát. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý với kết quả này nên làm đơn và đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại nguyên nhân cái chết của bị cáo. VKSNDTC, TANDTC, lãnh đạo Bộ Công an đã vào Phú Yên làm việc, thực hiện ý kiến của Chủ tịch nước. Hiện, vụ án đang giao lại cho Bộ Công an tiến hành điều tra lại, Viện Kiểm sát đang tiến hành theo dõi sát sao việc điều tra này.

Trả lời về thực trạng và nguyên nhân công tác quản lý thị trường thời gian qua chưa có chuyển biến, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có xu hướng gia tăng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm để chấn chỉnh sớm nhất tình trạng nêu trên, nhất là việc nâng cao năng lực, trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống các biểu hiện sai phạm của lực lượng làm công tác quản lý thị trường. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, không tiếp tay cho buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Huy động người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông cùng tham gia các lực lượng chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hành vi sai phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ những hạn chế căn bản của nền nông nghiệp nước ta và giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khó khăn lớn nhất của nền nông nghiệp Việt Nam là chúng ta có nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào sản xuất hộ gia đình (khoảng 10 triệu hộ), nguồn lực trong nông nghiệp và nông dân còn hạn chế, việc tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp chậm, chưa triển khai được trên diện rộng. Do đó, để khắc phục những hạn chế này, cần có sự vào cuộc của các ngành, các địa phương; tuyên truyền, vận động tham gia và có nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đối với người nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là huy động các nguồn lực trong xã hội tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trước lo lắng của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc chậm triển khai các trường nghề chất lượng cao, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đang tiến hành triển khai Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Có đại biểu QH quan tâm giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ (KHCN), Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh, Bộ đã ban hành chương trình đổi mới KHCN quốc gia, trong đó có việc đổi mới, nâng cao trình độ KHCN cho doanh nghiệp. Tập trung vào xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, nghiên cứu, làm chủ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ. Gắn với quá trình này là xây dựng các Quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy nhiên, để việc triển khai thuận lợi thì cần có những cơ chế rõ ràng, quy định cụ thể.

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 16/11/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất