Sau 5 năm phát động phong trào “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn
mới” (NTM) giai đoạn 2011-2015, bộ mặt nông thôn trong tỉnh Đắk Nông đã có những
đổi thay tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn
từng bước được cải thiện, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp
và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM tiếp tục có những chuyển biến
rõ nét.
|
Cán bộ xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) trao đổi về xây dựng nông thôn mới với người dân trên địa bàn xã.
Ảnh: Phan Tân |
Thông qua việc tuyên truyền, vận động và
xây dựng các mô hình dân vận khéo đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của
người dân và huy động được các nguồn lực xã hội để xây dựng NTM. Công
tác vận động được kết hợp chặt chẽ với công tác tuyên truyền, tạo sự
chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính
quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua các hình thức phong phú, đa
dạng như: Tổ chức ngày hội ra quân, hội nghị nhân dân, hội thảo, hội
thi, tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phát tờ rơi, tài liệu hỏi
đáp; lắp đặt pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; tuyên truyền trên
hệ thống truyền thanh các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng; đội
ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên v.v… đã giúp cho người dân nắm vững,
hiểu rõ về Chương trình xây dựng NTM.
Khối Dân vận bám sát cơ sở tuyên truyền
vận động linh hoạt, mềm dẻo, để từ đó người dân hiểu rõ, tự nguyện tham
gia vào các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của địa phương; xây dựng hướng
dẫn cụ thể từng tiêu chí, giao nhiệm vụ cho từng tổ dân vận, từng thành
viên...
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể đã tích cực, kiên trì vận động đoàn viên, hội viên và các tầng
lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, như: “Đắk Nông
chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở
khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Các tổ chức đoàn thể đều đề ra phong
trào riêng phù hợp với tính chất, đối tượng và đem lại những hiệu quả rõ
nét như: “Nông dân chung sức xây dựng NTM”, “Tuổi trẻ chung tay xây
dựng NTM”, “Cựu chiến binh tham gia xây dựng NTM”, “Phụ nữ chung tay xây
dựng NTM” .v.v…
Thông qua các phong trào, cuộc vận động
trên đã giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ,
hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm, cơ
chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM. Từ sự chuyển biến về
nhận thức, người dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện tham gia có trách
nhiệm vào việc xây dựng NTM, làm đẹp bộ mặt thôn, bon, buôn.
Công tác dân vận đóng vai trò quan trọng
trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM. Nhờ làm tốt công tác vận
động nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực theo tinh thần “Nhà nước và
nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đã tiến hành vận động nhân dân
góp ngày công, nguồn vốn, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu
như đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa v.v…
Kết quả trong giai đoạn 2011 – 2014,
nhân dân đã tự nguyện đóng góp 803 tỷ đồng (chiếm 25%); các doanh nghiệp
trên địa bàn tỉnh đóng góp 42,7 tỷ đồng. Trong quá trình lập quy hoạch,
việc lấy ý kiến nhân dân được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các đoàn
thể tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cho người dân được tham gia
bàn bạc dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao
trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức đầu tư xây dựng
NTM theo đề án quy hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, 100% số xã đã hoàn
thành quy hoạch chi tiết, trong đó có 5/61 xã phê duyệt quy hoạch chi
tiết trung tâm xã.
Từ những đóng góp quan trọng trên, có thể
rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác
dân vận trong phong trào “Đắk Nông chung sức xây dựng NTM” là:
Phải luôn đề cao và chú trọng công tác dân
vận trong xây dựng NTM, coi đây là một trong những khâu then chốt đưa
chủ trương xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thực tế cho thấy, ở địa phương nào thực hiện “dân vận khéo” sẽ tạo được
sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng
thuận cao của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai
phong trào xây dựng NTM trên địa bàn;
Luôn đặt người dân ở vai trò trung tâm của
phong trào xây dựng NTM, là chủ thể cần tập trung tiến hành tuyên
truyền vận động. Đối với từng địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số (DTTS) phải có phương pháp tuyên truyền vận động phù hợp với
từng loại đối tượng để phát huy hết tiềm lực của người dân. Cần phát huy
hơn nữa vai trò của lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS
trong vận động nhân dân xây dựng NTM;
Quá trình triển khai công tác dân vận phải
luôn bám sát quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng NTM ngay từ khâu lấy ý
kiến nhân dân, huy động nguồn lực, triển khai đầu tư xây dựng, giám sát
và nghiệm thu công trình .v.v… đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch,
hiệu quả;
Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở phải luôn
coi trọng công tác chỉ đạo, triển khai xây dựng và nhân rộng những điển
hình “Dân vận khéo” trong quá trình xây dựng NTM. Thường xuyên sơ kết,
tổng kết, rút kinh nghiệm và giới thiệu những cách làm sáng tạo, mô hình
hiệu quả ở cơ sở, tạo sức lan tỏa bền vững cho phong trào xây dựng NTM.
Nguồn: baodaknong.gov.vn, ngày 12/11/2015