Phát huy truyền thống, bản
chất Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đẩy mạnh
công tác dân vận, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa củng cố
hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời
sống vật chất, tinh thần của đồng bào, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa
bàn, tạo dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Đến các địa phương, cơ sở ở Gia Lai, chúng tôi đều cảm nhận
được tình cảm qúy mến của bà con đồng bào dành cho cán bộ, chiến sĩ LLVT địa
phương.
Những cánh rừng cao su, vườn cà phê, những nương lúa vàng
trĩu bông trong mùa thu hoạch của bà con có phần đóng góp không nhỏ của cán bộ,
chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai... Không chỉ giúp người dân địa phương phát triển
kinh tế, ổn định đời sống, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai còn đẩy mạnh Phong trào “Quân
đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, xóa đói giảm nghèo… với những mô hình cụ
thể, hiệu quả như: “Công trình quân dân”, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”,
“Hũ gạo vì người nghèo”…; đã có hàng nghìn hộ dân ở đây được hưởng lợi từ các
mô hình này.
Đại tá Lê Ngọc Nam, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết:
70 năm kể từ ngày thành lập đến nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn được bà
con tin yêu, chở che, đùm bọc. Phát huy truyền thống “Bám dân để chiến đấu”,
“Gần dân, giúp dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh
xác định: Giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước phát
triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ
động ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình cụ thể,
trong đó xác định tham gia xây dựng tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, các tổ
chức, đoàn thể xã hội trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao dân trí, xây
dựng đời sống mới trong nhân dân là một trong những nội dung cơ bản hàng đầu.
Với phương châm “giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng”, cán bộ, chiến sĩ lấy việc giúp
bà con đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chuyển đổi
cây trồng, vật nuôi làm khâu đột phá. Bộ CHQS tỉnh, ban CHQS các huyện, thị xã,
thành phố, các đơn vị LLVT tỉnh làm tốt công tác giáo dục truyền thống, thường
xuyên bám địa bàn, thực hiện “3 cùng” để nắm chắc tình hình, làm tốt công tác
vận động quần chúng; tăng cường quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa
phương để thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giúp đỡ nhân dân có hiệu
quả.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng
nông thôn mới” và thực hiện chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của
Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã chủ động triển
khai thực hiện đạt kết quả tốt. Sau khi tổ chức khảo sát kỹ từng đối tượng,
chọn cách làm đối với từng hộ gia đình cần hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ban CHQS
các huyện, thị xã, thành phố tổ chức gặp mặt, ký văn bản giao kết 3 bên (đơn
vị-gia đình-địa phương) để tổ chức thực hiện với phương châm: Đơn vị hỗ trợ
vốn, sử dụng lao động của đơn vị và gia đình cải tạo vườn, đất và thu hoạch mùa
vụ, hỗ trợ mua phương tiện; hỗ trợ giống cây trồng, giống gia súc, gia cầm...
Đến nay, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã hỗ trợ các hộ nghèo 48 con bò giống, 20
con heo giống, hơn 6.000 cây bời lời, hơn 1.050 trụ tiêu. Các cơ quan, đơn vị
còn hỗ trợ vốn và giúp nhân dân chăm sóc 2ha cây cao su, 1.680 cây điều, 2.540
gốc cà phê, hơn 1,6ha lúa nước…; xây dựng hơn 1.400m đường bê tông; hỗ trợ hơn
37.580kg gạo cho người nghèo trong mùa giáp hạt… Những việc làm đó đã giúp hơn
100 hộ gia đình thoát nghèo, hàng trăm hộ dân có cuộc sống ổn định.
Theo Đại tá Lê Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia
Lai, để thực hiện tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy,
chính quyền thành lập các tổ, đội công tác trực tiếp xuống cơ sở, bám dân, bám
bản làng và phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động
quần chúng nhân dân. Trong 5 năm qua, đã có hơn 1.280 lượt cán bộ tăng cường
bám nắm tình hình ở địa bàn trọng điểm, tuyên truyền, vận động được hơn 4.800
đợt với hơn 375.000 lượt người tham gia; giúp chính quyền địa phương xây dựng,
củng cố và đưa vào hoạt động có hiệu quả 30 chi bộ quân sự, nhiều chi bộ, tổ
Đảng cấp thôn, làng; giúp hơn 180 chi đoàn thôn, 175 chi hội phụ nữ, 132 chi
hội nông dân… hoạt động từ yếu vươn lên khá.
Các đơn vị LLVT tỉnh còn phối hợp tạo nguồn phát triển gần
1.700 đảng viên mới trong lực lượng dân quân tự vệ và 406 đảng viên trong
lực lượng dự bị động viên; xây dựng 26 thôn, làng có chi bộ, xóa 32 thôn,
làng “trắng” đảng viên…; góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức
chính trị xã hội. Ông Ksor Khiếu, Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai khẳng
định: “Nhờ có bộ đội tỉnh nhà góp sức chung tay, nên cuộc sống, kinh tế của bà
con được đổi mới như hôm nay, xã biên giới Ia O ngày càng phát triển. Ơn này
đồng bào mãi ghi nhớ!”.
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 4/11/2015