Thứ Bảy, 11/1/2025
Cần quy định thẩm quyền tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành vi, hành chính mang tính nội bộ
 
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường

Tại phiên họp sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Theo Tờ trình, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì cần thiết phải có những giải pháp về thuế phù hợp. Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xóa nợ doanh nghiệp nhà nước để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Quốc hội cũng đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Thảo luận về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, thực tiễn cho thấy, người dân khi cho là bị ảnh hưởng lợi ích của mình bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, họ thường đi theo con đường khiếu nại mà ít lựa chọn tố tụng hành chính. Có nhiều lý do trong đó có tâm lý e ngại kiểu “quân ta xử quân mình” và họ sẽ ở vị trí yếu thế. Để xóa bỏ tâm lý đó của người dân, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hành chính là rất quan trọng. Theo đại biểu Tô Văn Tám, dự thảo Luật đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan và cá nhân này nhưng vẫn còn chung chung. Đối với một đạo Luật mà phạm vi điều chỉnh không rộng, lại tác động trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức bởi hoạt động quản lý hành chính nhà nước và hoạt động thực hiện nhiệm vụ công vụ thì nên quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, nên sửa lại theo hướng quy định trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân bảo vệ quyền lợi của mình theo trình tự tố tụng hành chính khi họ lựa chọn con đường tố tụng hành chính...

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang), hiện chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện, bảo đảm cho thẩm phán và tòa án độc lập xét xử. Tuy nhiên, tòa án nhân dân cấp huyện vẫn phụ thuộc nhiều vào cấp ủy và cơ quan hành chính, tính độc lập của thẩm phán bị chi phối. Nhiều trường hợp, các bản án quy định của tòa án nhân dân cấp huyện khi giải quyết đối với khiếu kiện hành vi hành chính của ủy ban nhân dân cấp huyện bị ảnh hưởng và chi phối; vị thế, vai trò của thẩm phán cấp huyện ngày càng yếu, về lâu dài khiến người dân không tin tưởng vào tòa án hành chính và tiếp tục giải quyết bằng khiếu nại, khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính cho rằng, qua theo dõi tiếp công dân, các quy định này thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, đây là những loại việc khó và phức tạp. Trong khi đó, thẩm phán hành chính cấp huyện do quá ít điều kiện giải quyết án hành chính nên thường gặp nhiều khó khăn, nên giao tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm đối với quyết định hành chính, một mặt không làm quá tải về công việc cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, mặt khác khiến cho tính độc lập, chuyên sâu của thẩm phán hành chính tăng cường và đảm bảo hơn.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định thẩm quyền tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành vi, hành chính mang tính nội bộ. Đồng thời tán thành với thủ tục rút gọn, quy định bản án quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm. Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm cũng có thể được áp dụng theo thủ tục rút gọn về hồ sơ, thành phần tham gia.

Chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 27/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất