Điểm nổi bật là, các cơ quan, đơn
vị LLVT tỉnh đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa
bàn thống nhất việc xét chọn đối tượng hộ nghèo để đề ra phương thức
giúp đỡ phù hợp tập quán sản xuất, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng hộ và
điều kiện của cơ quan, đơn vị; không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt,
mà còn chú trọng hướng tới xóa nghèo bền vững. Nhiều nơi, bộ đội không
chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về chủ trương, mà còn thuyết phục, phối hợp
cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vào cuộc giúp các
hộ nghèo xóa nghèo.
Chị Trần Thị Bích Liễu, nhà ở số 81/41 đường
Ngô Mây, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn không có việc làm, ở nhà nuôi
hai con nhỏ, kinh tế gia đình chủ yếu trông vào thu nhập ít ỏi của
người chồng là anh Lê Văn Hường bị tật nguyền, làm nghề vắt sổ, sửa chữa
quần áo cũ. Chị Liễu từ lâu mong muốn mở quán bán bánh xèo nhưng chưa
có vốn. Từ khảo sát, nắm được hoàn cảnh, tâm tư này, Phòng Chính trị Bộ
Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã giúp bảy triệu đồng mua vật dụng mở quán
bánh xèo và trích “Hũ gạo vì người nghèo” 200 kg gạo tặng gia đình chị.
Được bộ đội hỗ trợ, chị Liễu mở quán bán bánh xèo, thu nhập bình quân từ
80 đến 110 nghìn đồng/ngày, sau một năm đã giúp gia đình chị Liễu vươn
lên thoát nghèo.
Trường hợp gia đình chị Lê Thị Thúy Vân, số nhà
157D đường Ngô Mây, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, có chồng bị tai nạn
giao thông liệt cánh tay trái, hai con còn nhỏ, gia đình sống nhờ vào
nghề may gia công tại nhà của chị. Chị Vân luôn mong ước có vốn mua thêm
máy để nhận thêm sản phẩm về làm tăng thu nhập. Nắm bắt nhu cầu chính
đáng của chị, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp cấp ủy, chính
quyền, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường tặng gia đình máy vắt sổ, máy
may công nghiệp trị giá 20 triệu đồng. Nhờ vậy, chị Vân đã tăng thu nhập
từ 70 đến 80 nghìn đồng lên 170 đến 200 nghìn đồng/ngày, bảo đảm chi
tiêu cho gia đình và có tích lũy để giảm nghèo bền vững.
Ở huyện miền
núi An Lão, địa bàn có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống,
đời sống còn rất khó khăn, Ban CHQS huyện đã nhận giúp hai gia đình
nghèo là hộ anh Đinh Văn Phước và Đinh Văn Nang (người dân tộc H’rê),
bằng cách đầu tư năm triệu đồng, liên hệ Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện để chuyển giao kỹ thuật trồng keo tai tượng. Cùng với
đó, đơn vị còn huy động chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên giúp
hai gia đình 350 ngày công trồng rừng và trích “Hũ gạo vì người nghèo”
tặng mỗi hộ từ 10 đến 12 kg gạo/tháng.
Còn cách “xóa nghèo” của
Ban CHQS huyện Tây Sơn giúp gia đình ông Trần Văn Sử, ở xóm 8, thôn Hòa
Trung, xã Bình Tường, có bảy con, thiếu tư liệu sản xuất, bằng cách hỗ
trợ 4,5 triệu đồng mua một con heo nái và thức ăn chăn nuôi; Hội Nông
dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã giúp công làm chuồng, truyền đạt
kinh nghiệm thâm canh bốn sào lúa, trồng 1,5 sào rau muống; hướng dẫn
cách làm thủ tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng để
mua hai con bò, tám con heo và 100 con gà. Đến nay, gia đình ông Sử đã
có thu nhập khá, hoàn trả được vốn cho ngân hàng và đầu tư cho hai con
học đại học.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, LLVT Bình
Định thể hiện sâu sắc, sinh động hình ảnh bộ đội Cụ Hồ “vì nhân dân phục
vụ”, chung sức cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố
quốc phòng - an ninh trên địa bàn ngày càng vững chắc.