Thứ Bảy, 30/11/2024
Quảng Trị: Tăng cường công tác dân vận của cơ quan chính quyền các cấp

Ủy ban nhân dân (UBND) từ tỉnh đến cơ sở đã cụ thể hóa trong việc quán triệt, triển khai và thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước”; Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận chính quyền”; chú trọng và quan tâm triển khai thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 300-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCHTW7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 79-CTHĐ/TU, tiếp đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 380/KH-UBND về thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2013-2015, nhiều quy chế, quy định nhằm sửa đổi lề lối, tác phong làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức nhằm giảm phiền hà, sách nhiễu, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân.

 
Giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại TP Đông Hà - Ảnh: MXT 

Xác định nội dung trọng tâm của công tác dân vận chính quyền là công tác cải cách hành chính. Do đó, trong những năm qua UBND tỉnh đã tập trung triển khai và chỉ đạo các cấp chính quyền thực hiện cải cách hành chính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay đã có 18/20 sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 9/10 huyện, thị xã và 141/141 xã, phường, thị trấn (100%) thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; nhiều đơn vị đã và đang triển khai cơ chế “Một cửa hiện đại”,“Một cửa điện tử”. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2092/ QĐ-UBND về phê duyệt đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành. Kết quả về Chỉ số cải cách hành chính được công bố hàng năm đã tạo được động lực thúc đẩy việc thực hiện cải cách hành chính ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh, từ đó nâng cao rõ rệt Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của tỉnh Quảng Trị đã vượt lên 16 bậc so với năm 2013 – từ thứ 53 lên thứ 37/63 tỉnh, thành trong cả nước). Về cải cách bộ máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy cấp tỉnh, huyện, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ; phân cấp quản lý theo quy định của UBND tỉnh trên nhiều lĩnh vực…, đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động cho hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được ban hành thành quy chế và thực hiện công khai, công bằng, dân chủ, đúng luật định.

Công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị và đơn thư khiếu nại tố cáo của nhân dân đã được quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giải quyết các kiến nghị của nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức tiếp công dân để đối thoại với người khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan để làm rõ các nội dung của người khiếu nại; ban hành quy chế tiếp công dân theo quy định đối với các cấp chính quyền trong toàn tỉnh. UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo việc nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thông qua chọn cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân cho đối tượng là giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch, thủ trưởng các phòng, ban thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố, chủ tịch các xã, phường, thị trấn… Vì vậy, đã góp phần phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giải quyết kịp thời những trường hợp vi phạm, đáp ứng cơ bản yêu cầu bức xúc của nhân dân, làm ổn định tình hình ở cơ sở.

Thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở cũng là một nội dung hết sức quan trọng để các cơ quan nhà nước làm tốt công tác dân vận của mình. Do đó, sau khi các nghị định về thực hiện QCDC của Chính phủ được ban hành, cùng với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức thực hiện. Việc triển khai, thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, động viên tính tích cực của nhân dân, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào của địa phương. Chương trình, nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) được công khai, đổi mới; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND được các ban của HĐND và các đại biểu HĐND tiến hành đúng theo luật định. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu HĐND các cấp được chú trọng thực hiện theo luật định. Qua đó, đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có những giải pháp cũng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề nhân dân quan tâm, tạo điều kiện cho nhân dân được đối thoại thẳng thắn, cởi mở, tạo được niềm tin của nhân dân với chính quyền. HĐND và UBND các cấp chủ động phối hợp với UBMT và các đoàn thể quần chúng xây dựng các chương trình phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước, đồng thời luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gắn với việc phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tham gia xây dựng chính quyền và thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền trong tỉnh vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quán triệt đầy đủ và quan tâm đúng mức đến việc thực hiện công tác dân vận các cơ quan nhà nước, chính quyền theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thường vụ Tỉnh ủy. Nhiều nơi chưa gắn công tác quản lý nhà nước, công tác chuyên môn với công tác dân vận; chậm đổi mới phong cách làm việc gần dân, sát dân để hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc thực hiện cải cách hành chính, thủ tục hành chính nhiều nơi còn mang tính hình thức; đội ngũ cán bộ, công chức vẫn thiếu về kỹ năng dân vận, việc hướng dẫn, giải thích và vận động nhân dân vẫn nặng về hành chính, quan liêu, cứng nhắc... Trong phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền với UBMT, các đoàn thể vẫn còn thiếu tính đồng bộ và chiều sâu, còn biểu hiện xem nhẹ, buông lỏng công tác vận động quần chúng nên chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng của các cấp chính quyền.

Để công tác dân vận thực sự đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, chính quyền các cấp chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở, sơ kết, tổng kết đánh giám sát hoạt động thực tiễn; có sự phối hợp chặt chẽ và phân công cụ thể giữa chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể. Phối hợp và tạo điều kiện cho hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, trong đó chú trọng cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học tập chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217, 218-QĐ/TWcủa Bộ chính trị về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để Quảng Trị khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là các cơ hội mới mở ra từ hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phấn đấu đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước trong giai đoạn 2015- 2020. Cùng với việc thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị nói chung và của các cơ quan chính quyền nhà nước trong tỉnh nói riêng, tăng cường và củng cố lòng tin, phát huy được sức mạnh, nguồn lực từ nhân dân, chắc chắn sẽ là thành tố quan trọng cấu thành trong kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nguồn: baoquangtri.vn, ngày 23/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất