Thứ Bảy, 11/1/2025
Chúng tôi đi làm dân vận ở vùng cao...
 
Trèo đèo, lội suối... đến từng thôn, bản là chuyện thường ngày của cán bộ dân vận nơi đây

Miệng nói, tay làm

Đồng Tâm là xã còn nhiều khó khăn của huyện, dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Sán Chỉ, Hoa. Để vận động bà con thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng làng bản giàu đẹp hơn, mỗi cán bộ xã ở đây phải vất vả đi bộ, lội qua suối, vượt lầy... để đến từng gia đình, từng thôn, bản, tìm hiểu và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Được phân về xã thực tế, với vai trò cán bộ xã, chúng tôi có dịp được trải nghiệm thực tế của những người “vác tù và hàng tổng”. Cùng Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Kiên Trung và cán bộ Đoàn Thanh niên xã chúng tôi tới thôn Pắc Pền tuyên truyền, vận động các hộ dân ở đây xây dựng mô hình chuồng trâu thoát nước tự động để cải thiện môi trường chăn nuôi của bà con. Đường vào thôn đã cơ bản được bê tông hoá, tuy nhiên phải đi qua một khúc suối vắt ngang đường, chúng tôi để xe máy lại, xắn cao ống quần lội qua. Khúc suối rộng chừng 10m không sâu, nhưng nước chảy khá xiết, lòng suối lổn nhổn đá cuội phủ rêu trơn, đặt bàn chân không chắc là ngã như chơi. Vượt qua khúc suối, chúng tôi đi bộ thêm 300m nữa thì đến thôn.

Ở thôn, bà con chăn nuôi nhiều, nhưng chuồng trại thì dựng tạm bợ gần nhà, phân gia súc thải trực tiếp không có biện pháp xử lý, rất mất vệ sinh. Đến hộ anh Nông Văn Đạo (thôn Pắc Pền), một trong những hộ nuôi trâu nhiều nhất thôn, cũng là hộ xã triển khai thí điểm mô hình chuồng trâu mới. Anh Đạo đi vắng, chị vợ ở nhà trông con nhỏ, chuồng trâu đang xây dang dở, gạch đá vẫn ngổn ngang. Hỏi chuyện chủ nhà mấy câu, chúng tôi mời chủ nhà ra chuồng trâu đang xây để hướng dẫn thực hiện mô hình. Miệng nói, tay làm, chúng tôi người đặt từng viên gạch, người trộn vữa xi măng đổ khuôn nền. Anh Trung bảo: “Muốn bà con làm theo thì phải để bà con thấy được kết quả đã. Mình vận động được bà con đồng ý xây chuồng rồi, nhưng lắm khi bà con cứ bận việc này việc kia rồi để đấy thì mô hình chết yểu mất. Mình nói rồi nhưng phải làm cho bà con thấy rồi có hiệu quả, tự khắc bà con sẽ làm theo. Mô hình mà được nhân rộng thì môi trường chăn nuôi trong thôn được cải thiện, hiệu quả chăn nuôi của bà con được nâng lên...”.

Cùng lo, cùng vui với người dân

Nhưng không chỉ vậy là đủ, ở xã vùng cao này, để bà con hiểu, bà con tin tưởng, thì trước tiên cán bộ xã phải là người hiểu được tâm tư, nguyện vọng, hiểu được tập quán của bà con. Trước đó, tôi có buổi đi cùng cán bộ xã tới vận động bà con tham gia hiến đất để chuẩn bị cho lễ hội hoa sở của xã, của huyện. Đây được coi là sản phẩm du lịch mới của xã, của huyện để phát huy tiềm năng du lịch trên địa bàn. Vì là cái mới, chưa có kết quả cụ thể, nên khi đến các hộ vận động, chúng tôi cùng cán bộ xã phải tỉ mỉ phân tích chi tiết từng mặt thuận lợi, khó khăn, trao đổi tiếp thu ý kiến, giải thích thắc mắc để bà con hiểu mà đồng thuận. Trong cuộc trò chuyện đan xen giữa những câu tiếng phổ thông lại là những câu nói bằng tiếng Tày mà những người mới tới như chúng tôi nghe không hiểu, nên tôi cũng đã xác định quyết tâm học tiếng nói của bà con. Hiệu quả sau một ngày vận động mà chúng tôi trực tiếp được tham gia là bà con đã đồng thuận hiến đất để xã tổ chức lễ hội hoa sở, điều mà chắc chắn nếu không  thực sự là người gắn bó với người dân ở đây thì khó có thể làm được.

Rồi hôm cùng cán bộ xã đến thôn Ngàn Vàng giữa, tuyên truyền người dân tích cực xây dựng gia đình, thôn bản văn hoá. Người dân trong thôn chủ yếu là người Sán Chỉ, nghe cán bộ xã trao đổi với bà con bằng tiếng bản ngữ, những người chân ướt chân ráo mới về xã như chúng tôi thấy rất khâm phục việc am hiểu ngôn ngữ của các cán bộ xã nơi đây. Chia sẻ với chúng tôi chị Bùi Thị Lìu, Phó Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm, cho hay: “Đồng Tâm có 5 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một tiếng nói, một đặc trưng văn hoá khác nhau. Để hiểu được bà con, vận động được bà con thì mỗi cán bộ xã ở đây phải thường xuyên tự học tiếng, rồi tìm hiểu văn hoá của từng dân tộc, có thế mới tạo được sự gần gũi để bà con tin tưởng, từ đó công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, bà con nắm bắt và thực hiện đúng, đủ các chủ trương. Chúng tôi luôn xác định, mỗi cán bộ đi tuyên truyền, vận động cũng như đi làm dâu trăm họ vậy...”.

Lần khác, tôi có dịp đi cùng cán bộ xã vận động bà con thôn Ngàn Vàng trên hiến đất làm đường bê tông vào thôn, đây là một trong những thôn xa và cao nhất xã. Đường vào nhiều đoạn dốc dựng cao, đoạn đổ bê tông, đoạn chưa, nhiều “ổ trâu”, “ổ gà” do mưa xói. Thấy tôi phải rất chật vật đi xe máy vượt qua những đoạn đường này, anh cán bộ xã đi cùng bảo: “Đường như thế này là đẹp lắm rồi đấy. Trước đây là con đường đất, dốc cao như dựng đứng. Ngày mưa, ngay cả đi bộ có khi còn không dám. Những ngày đầu tuyên truyền, vận động làm đường, xây dựng nông thôn mới, bà con bảo mở đường như thế thì bẩn lắm, mùa mưa mà cào, xới đất ra thì đi lại còn vất vả hơn. Cán bộ xã phải kiên trì thuyết phục, giải thích là có con đường bê tông, bà con sẽ đi lại buôn bán thuận lợi hơn, đời sống khấm khá hơn, con em đến trường cũng an toàn hơn. Khi hiểu rồi, bà con đồng thuận hiến đất, hỗ trợ làm đường. Đến nay, gần 7km đường vào thôn, từng đoạn được bê tông phẳng phiu, đẹp đẽ.

Chỉ mất gần nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã vào đến thôn. Gặp anh Chíu Quay Lìn, một người dân trong thôn, anh cho biết: “Có con đường đúng là bà con đi lại thuận hơn nhiều lắm. Trời mưa cũng xuống xã được. Con lợn, con gà, bó rau mang xuống xã bán cũng được giá hơn. Ai trong thôn cũng phấn khởi lắm. Giờ xã vận động bà con tham gia làm nốt mấy đoạn đường còn lại, mọi người dân thôn đều tích cực hưởng ứng, mong con đường sớm hoàn thành”. Từ sự gần gũi và tạo được niềm tin với người dân, hiệu quả công tác vận động của chúng tôi cùng cán bộ xã là bà con vui vẻ hiến đất để xã tổ chức lễ hội hoa sở; tích cực xây dựng gia đình văn hoá, bài trừ các hủ tục lạc hậu; nhiều đoạn đường nông thôn mới được bê tông hoá...

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng sau mỗi lần đi tuyên truyền, vận động bà con, chúng tôi có thêm kinh nghiệm từ thực tiễn “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những người làm công tác dân vận ở xã vùng cao đã thực sự biết lo cho cái lo của người dân và vui với cái vui của người dân. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân hiểu, làm theo, chúng tôi còn nhận được rất nhiều tình cảm mà đồng bào các dân tộc dành cho. Hôm ở Ngàn Vàng trên, chúng tôi được gia đình Chíu Quay Lìn mời ở lại dùng bữa cơm trưa. Anh cán bộ xã bảo: “Ở đây, phải quý mến lắm bà con mới mời dùng bữa, uống chén rượu. Giờ làm việc thì không được uống rượu, nhưng không uống bà con lại nghĩ mình không thật lòng, nên thi thoảng cũng đành phá lệ...”. Trong bữa ăn, mọi người tay bắt mặt mừng, cười nói như gặp người thân lâu ngày đi xa về. Chúng tôi hiểu, niềm vui, kết quả đạt được chính là động lực để họ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận ở những bản vùng cao nơi đây.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 26/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất