Nước
phải lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên
nền nhân dân”. Với tinh thần đó, nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre
luôn coi trọng và đề cao vai trò của công tác dân vận, phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân.
Trên
cơ sở Quyết định số 1669-QĐ/TU, ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Ban Thường
vụ Tỉnh uỷ về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị,
UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 1772,
ngày 22 tháng 4 năm 2013 về việc “tiếp tục phối hợp thực hiện công tác
dân vận trong hệ thống chính quyền”. Qua đó, đã góp phần phát huy hiệu
quả phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh với Ban Dân vận Tỉnh uỷ,
cũng như hệ thống chính quyền các cấp.
Trong
quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp, các cấp chính quyền,
các cơ quan Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, từ việc phân công
cán bộ phụ trách công tác dân vận, gắn việc thực hiện công tác dân vận
với nhiệm vụ chính trị cùng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý
Nhà nước của chính quyền các cấp. Các Quy chế phối hợp giữa chính quyền,
các cơ quan Nhà nước với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể
chính trị - xã hội ở các cấp đã được triển khai, bước đầu phát huy sức
mạnh của quần chúng trong giải quyết các công việc chung của cộng đồng.
Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện
các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã
phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo tính thiết thực, góp phần phát triển
kinh tế - xã hội tại địa phương. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng,
phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân được ngành chức năng, chính
quyền cơ sở quan tâm, thường xuyên phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể gắn với từng nội dung, công việc cụ thể để thực hiện. Nhiều cơ
chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ dân vận, cho cán bộ Mặt trận
Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở được HĐND, UBND chú
trọng triển khai, tạo điều kiện để phát triển nhiều loại hình tập hợp
quần chúng phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng cộng đồng dân cư,
hiệu quả các phong trào ngày càng được rõ nét hơn. Nổi bật nhất là, các
kế hoạch phối hợp tăng cường công tác dân vận ở khối lực lượng vũ
trang, tổ chức nhiều đợt hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần
chúng, triển khai có hiệu quả các hoạt động tự quản của quần chúng trong
tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội
phạm, kết hợp vận động được nhiều hộ dân làm tốt việc tự quản tại hộ gia
đình theo phương châm “Nhà tự phòng, hộ tự quản”; góp phần hạn chế tệ
nạn xã hội, giữ gìn an ninh nông thôn, củng cố kiện toàn hệ thống chính
trị ở cơ sở.
Một trong những điểm nổi
bật của Bến Tre về công tác dân vận vừa qua là việc phối hợp thực hiện
công tác dân vận chính quyền gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính. Theo đó, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và
ban hành Quy tắc ứng xử, gắn với niêm yết công khai, để thực hiện nội
dung “Ba không, Ba nên, Ba cần” tại tất cả trụ sở UBND của 164/164 xã,
phường, thị trấn và nhiều cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh, huyện, thành
phố, đã góp phần nâng lên về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, khắc
phục đáng kể việc cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền
hà; ý thức thực thi công vụ, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức,
viên chức ngày một tốt hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có 17/17 sở, ngành; 9/9
huyện, thành phố, 164/164 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa;
một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng,
đăng ký kinh doanh, được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; chỉ
số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) được tăng 20 bậc, xếp vị trí thứ
06 trong phạm vi cả nước và thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng nhận thấy công tác dân vận
chính quyền vẫn còn tồn tại những hạn chế, đó là: Lãnh đạo chính quyền ở
một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, nên
trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự sâu
sát, thiếu kiểm tra, xử lý các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền
và lợi ích chính đáng của nhân dân. Một ít địa phương thực hiện các bước
vận động nhân dân chưa đúng với quy trình dân chủ cơ sở, thiếu công
khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành, dẫn đến tình trạng
nhân dân phản ứng, bức xúc, khiếu nại tập trung vượt cấp, như: Chợ Tân
Xuân (Ba Tri), Chợ Mỹ Thạnh (Giồng Trôm), Chợ Lộc Thuận (Bình Đại), Chợ
Thom, bãi rác Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam), thi công đường điện 110 KV (Mỏ Cày
Nam - Thạnh Phú)… UBND và Ban Dân vận ở một số địa phương chưa chủ động
để cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên họp bàn giải pháp
và rút kinh nghiệm về công tác dân vận chính quyền, trong xử lý các vấn
đề phức tạp. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực
đất đai, đầu tư, xây dựng, y tế… hiệu quả chưa cao, thủ tục còn rườm rà,
phức tạp. Việc học tập quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức về
vị trí, vai trò của công tác dân vận, gắn với yêu cầu cải cách thủ tục
hành chính chưa thường xuyên; nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện xin
lỗi tổ chức, công dân khi có hồ sơ trễ hẹn do nguyên nhân chủ quan; một
số cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ địa chính, thuế còn gây
phiền hà, nhũng nhiễu đối với tổ chức và công dân trong thực thi công vụ
của mình.
Từ thực tiễn đó, để nâng
cao công tác dân vận chính quyền phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra
trong tình hình mới, UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh
đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng đến việc
tăng cường công tác dân vận chính quyền gắn với việc đẩy mạnh học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quy chế dân chủ ở cơ sở. Quan
tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của dân theo
phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Đưa việc cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước
thực sự đi vào nền nếp, làm chuyển biến rõ nét về phong cách, lề lối làm
việc của cán bộ, công chức; giải quyết nhanh, hiệu quả thủ tục hành
chính cho tổ chức và công dân.
Thực
hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ”, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước,
củng cố niềm tin trong nhân dân; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân
dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân và tổ
chức các cuộc đối thoại, tọa đàm trực tiếp với công dân theo chuyên đề,
theo từng đối tượng, qua đó tiếp thu ý kiến, giải quyết có hiệu quả tình
hình phức tạp và những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo còn
tồn đọng, kéo dài.
Trong thời kỳ phát
triển mới của đất nước, thực hiện đường lối mở cửa, hội nhập của Ðảng,
mỗi cán bộ, đảng viên để thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy
tớ thật trung thành của nhân dân, chúng ta đề cao tính tự giác, mỗi
người cần thường xuyên học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng
thành công”.
Cao Văn Trọng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre
Nguồn: bentre.gov.vn, ngày 3/11/2015