Thứ Năm, 28/11/2024
Tình quân dân nơi vùng lũ Quảng Bình
 
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình giúp người dân thị xã Ba Đồn vệ sinh môi trường sau khi nước rút. 


Đại tá Đỗ Trung Tuyên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Bình cho biết, ngay trong ngày 14/10 công tác cứu hộ, cứu nạn đã được các cơ quan, đơn vị LLVT Quảng Bình triển khai hết sức tích cực, khẩn trương. Đêm 14/10, các LLVT tỉnh đã đưa các xuồng cao tốc tiếp cận, ứng cứu và di dời hơn 100 người dân ở các xã Phúc Trạch và Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, xã Nghĩa Ninh và phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới.

Khi mưa lũ ở nhiều vùng ven sông Gianh diễn ra hết sức phức tạp, Bộ CHQS tỉnh đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, gần 700 chiến sĩ dân quân ở các địa phương tăng cường chi viện cho các vùng bị nước lũ cô lập như huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Bộ đội đã di dời hơn 2.500 hộ dân vùng thấp trũng, cứu vớt hơn 420 người dân bị lũ bao vây cùng nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt đến vị trí an toàn. Đặc biệt, nước lũ ở thượng nguồn sông Gianh chảy xiết làm sạt lở đường sắt bắc nam, đoạn qua xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa khiến tàu SE19 bị mắc kẹt tại ga Lệ Sơn (Tuyên Hóa). Sáng 15/10, các đồng chí thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ vượt sông Gianh để tiếp cận và ứng cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và đưa 132 hành khách, trong đó có 96 hành khách nước ngoài bị mắc kẹt đến vị trí an toàn. Trưởng tàu SE19 Võ Văn Xô cho biết: “Sau hơn nửa ngày bị nước lũ bao vây, hành khách và nhân viên trên tàu rất mệt và lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự có mặt kịp thời của bộ đội trong thời điểm khó khăn đã làm cho chúng tôi hết sức cảm kích”.

Sau khi lũ rút, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 968, Quân khu 4 có mặt tại Quảng Bình để cùng với LLVT địa phương đến các địa bàn trọng điểm giúp người dân sửa chữa nhà cửa, đường sá bị hư hại, vệ sinh trường lớp sau lũ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng cử gần 300 cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn trọng điểm các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, ngày đêm bám cơ sở giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) Đinh Xuân Thương cho biết, nước lũ tràn về kéo theo nhiều bùn đất, cây cối, rác bẩn từ thượng nguồn vùi lấp các tuyến đường giao thông, trường học, nhà cửa và vườn tược của người dân. Nếu không có bộ đội về giúp đỡ thì người dân có thể mất rất nhiều thời gian mới dọn dẹp xong số bùn đất và rác này. Còn thầy giáo Trần Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa chia sẻ, nhờ có bộ đội giúp trường tẩy rửa bùn đất, lau chùi bàn ghế nên chỉ hai ngày sau khi lũ rút, nhà trường tổ chức dạy học lại bình thường. Hơn lúc nào hết, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" càng trở nên gần gũi, gắn bó với nhân dân, đặc biệt là đối với hàng trăm giáo viên và học sinh nơi đây.

Tại “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình cho biết, trận lũ lịch sử vừa qua đã làm toàn bộ 861 hộ ngập, trong đó có 410 hộ bị ngập sâu từ ba đến năm mét. Rút kinh nghiệm từ trận lũ trước, phương châm “bốn tại chỗ” đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện chủ động. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ rất tích cực và kịp thời của LLVT huyện trong và sau lũ. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, cùng với lực lượng Công an huyện, Bộ đội Biên phòng cùng 100 cán bộ, chiến sĩ được Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình tăng cường đã tập trung dọn dẹp bùn đất, thu gom cây xanh, cột điện gãy đổ, tiến hành vệ sinh môi trường, xử lý rác thải; vận chuyển lương thực, nước uống hỗ trợ người dân. Đến nay, mọi công việc tương đối hoàn tất, nhất là việc dựng lại nhà cửa bị đổ sập, giúp bà con khắc phục, sửa chữa vật dụng sinh hoạt của gia đình. Sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ LLVT trong những ngày qua đã thật sự làm ấm lòng người dân vùng lũ này. Ông Đinh Xuân Hồng, ở thôn 4, xã Tân Hóa tâm sự: “Trong trận lũ vừa qua, nhà tôi bị nước ngập gần ba mét. Giữa cơn lũ, tôi được các chiến sĩ quân đội dùng ca-nô ứng cứu kịp thời. Sau lũ, mọi đồ dùng sinh hoạt bị hư hỏng, bùn đất tràn vào nhà dày cả gang tay. Vợ, con làm ăn xa không về kịp, nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội thì một mình tôi không biết xoay xở thế nào”.

Chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống, sau khi nước lũ rút, Bệnh viện 268 (Quân khu 4) đã cử 15 bác sĩ, y tá vượt hơn 300 km từ Huế đến với Tân Hóa. Gần hai ngày thực hiện nhiệm vụ, các y bác sĩ của bệnh viện đã thăm khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 lượt người; trao 20 suất quà tặng các gia đình chính sách trên địa bàn của xã. Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức vệ sinh phòng dịch, xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường sống, đồng thời hướng dẫn người dân cách phòng tránh các loại dịch bệnh có thể xảy ra sau lũ. Trung tá Trần Văn Hội, Chính ủy Bệnh viện 268 (Quân khu 4) cho biết: “Bằng tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia, chúng tôi sẽ hướng về đồng bào miền trung thân yêu với những việc làm thiết thực nhất. Không chỉ tại xã Tân Hóa mà trong đợt này, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 268 tổ chức các đợt khám, điều trị miễn phí cho người dân ở nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại do mưa lũ”.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 31/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất