Thứ Bảy, 11/1/2025
Tam Đảo phát huy hiệu quả công tác dân vận của chính quyền
 

Được sự tuyên truyền của chính quyền xã, ông Trương Sỹ Đào, thôn Phô Cóc,
xã Minh Quang (Tam Đảo) đã trồng cây đinh lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 Ảnh: Anh Toàn
 


Là huyện miền núi, Tam Đảo có gần 45% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Sán Dìu chiếm tỷ lệ cao và sinh sống đan xen với dân tộc Kinh ở 8/9 xã, thị trấn. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền trong đồng bào DTTS trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới thành chương trình, kế hoạch, biện pháp nhằm phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS; các cán bộ lãnh đạo, công chức phụ trách công tác dân vận thường xuyên lồng ghép tổ chức thực hiện công tác dân vận chính quyền với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là những người đứng đầu được nâng lên. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng như: Ô nhiễm môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất nông nghiệp, các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS…

Xã Hồ Sơn là một trong những địa phương của huyện Tam Đảo có đông hộ dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, những năm qua, trên địa bàn xã có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2B cũ đoạn từ Km 8 - Km 11 qua trung tâm huyện lỵ Tam Đảo; dự án đường giao thông huyện Tam Đảo tuyến Km13 quốc lộ 2B - Trường Dân tộc nội trú… cần phải giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện các dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân khi bị thu hồi đất, trong số đó chủ yếu là hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Sán Dìu. Đồng chí Hoàng Chân Quý, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Khối Dân vận xã Hồ Sơn cho biết: Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, UBND xã phối hợp với Hội đồng bồi thường, GPMB tái định cư của huyện, trưởng các ban ngành, đoàn thể, thôn dân cư tổ chức họp dân, công bố quy hoạch và tuyên truyền, giải thích giúp nhân dân hiểu ý nghĩa của các dự án; đồng thời, niêm yết công khai, minh bạch các phương án bồi thường đền bù GPMB tại UBND xã, nhà văn hóa thôn. Mặc dù, ban đầu một số hộ chưa hiểu, thắc mắc về quỹ đất, nhưng sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, hầu hết các hộ dân đều hiểu và đến nay đã nhận tiền bồi thường GPMB và trả lại mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và các hộ dân đồng bào DTTS nói riêng, UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đa dạng các ngành nghề, các thành phần kinh tế; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các chương trình, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để phát triển kinh tế, xã hội… Tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp đã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế như: Phát triển đàn bò sữa, bò thịt ở xã Bồ Lý, mô hình trồng cây dược liệu ở xã Đạo Trù, Đại Đình… Qua đó, bà con đồng bào các DTTS phát huy ý chí tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù có trên 80% dân số là người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trước đây, thu nhập của người dân bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa, nhưng sau được chính quyền xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây hàng hóa khác như: Ớt, cà chua,… nhờ đó, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ vươn thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ông Chu Thái Quang, Trưởng thôn Đồng Quạ cho biết: Hiện nay, thôn Đồng Qụa có khoảng trên 20 ha cây ớt. Trong quá trình sản xuất, bà con nông dân trong thôn luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, do đó hiệu quả, giá trị kinh tế cây ớt cao gấp nhiều lần so với cây lúa; trung bình 1 sào lúa người dân chỉ thu được khoảng 2 triệu đồng/năm, nhưng khi trồng ớt người dân thu được từ 14 đến 18 triệu đồng/năm. Từ chuyển đổi cây trồng đúng hướng, thu nhập hàng năm của người dân thôn Đồng Quạ được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn qua các năm giảm dân, đến nay còn 11%.

Cùng với nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào DTTS, công tác giáo dục đào tạo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Hệ thống các trường học được đầu tư xây dựng khang trang, số học sinh giỏi các cấp hàng năm đều tăng; tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà nâng lên. Các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp ở địa phương. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, từng bước được nâng lên, đặc biệt là công tác phòng, chống các loại dịch bệnh tại các khu dân cư. Đến nay, 100% trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn đều có bác sỹ và đảm bảo thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân…

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Tam Đảo lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền ở vùng đồng bào DTTS; tập trung thực hiện các giải pháp tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, dân vận khéo, nhất là trong xây dựng nông thôn mới…

Nguồn: baovinhphuc.com.vn, ngày 09/5/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất