Thứ Sáu, 10/1/2025
Khai mạc phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 14 diễn ra từ ngày 11 đến 20/9, Ủy ban Thường vụ QH sẽ thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của ba dự án luật đã được QH cho ý kiến: Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Đồng thời, cho ý kiến về bảy dự án luật, dự kiến trình QH lần đầu tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV, gồm: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; An ninh mạng; Đo đạc và Bản đồ; Cạnh tranh (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bên cạnh đó, cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng…

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH còn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh biển”.

Chủ tịch QH đề nghị, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến thảo luận, khẩn trương hoàn thiện các dự thảo báo cáo, các dự án luật bảo đảm chất lượng trình QH khóa XIV, tại kỳ họp thứ tư.

Tiếp đó, cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), các thành viên Ủy ban Thường vụ QH tán thành sự cần thiết ban hành luật, nhất là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị HCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị". Các ý kiến nhấn mạnh, ở nước ta đang tồn tại nhiều mô hình khu kinh tế khác nhau và đều được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai... Cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả các mô hình này để có cơ sở thực tiễn khi quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB. Lưu ý đánh giá tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này, vì các địa bàn dự kiến thành lập ba đơn vị HCKTĐB (tại: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) đều có vị trí chiến lược, nhạy cảm.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, một số ý kiến nhấn mạnh, ba khu vực dự kiến thành lập đơn vị HCKTĐB có hệ thống kết cấu hạ tầng, lợi thế và định hướng phát triển, nhu cầu quản lý khác nhau. Do đó, các quy định đặc thù cho các đơn vị này cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung về phương án Nhà nước đầu tư cho từng đơn vị, thời gian áp dụng chính sách ưu đãi. Đồng thời, có nghiên cứu sâu hơn về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB để trình QH cho ý kiến, bởi đây là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của mô hình đặc khu hành chính - kinh tế mới.

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 12/9/2017; Ảnh: Trọng Đức (TTXVN)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất