Thứ Sáu, 10/1/2025
Làm dân vận cùng chiến sĩ quân hàm xanh
 

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô giúp dân nhổ mạ. 


CÙNG DÂN BẢN VƯỢT KHÓ

Đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô ngỏ ý muốn đi cùng các chiến sĩ làm công tác dân vận, tôi được Thiếu tá Trương Hồng Quân, Đội phó Đội Vận động quần chúng vui vẻ nhận lời. Anh Quân là người đã hơn 20 năm gắn bó với vùng biên này nên thuộc lòng từng con dốc quanh co. Nhà dân bản nào anh cũng thuộc hết. Kinh nghiệm mà anh Quân đúc rút được sau 20 năm bám bản là muốn làm dân vận tốt phải gần dân nói được tiếng của bà con và coi bà con như người nhà mình. Thêm nữa, dân bản không thích lý sự dài dòng. Cán bộ muốn vận động gì thì cứ làm gương xắn tay vào làm trước thì dân bản làm theo. Khi mình đã coi việc của bà con là việc của mình thì người dân đều tin tưởng mọi chuyện sẽ tham vấn ý kiến của bộ đội biên phòng.

Vừa đi đường vừa trò chuyện với các chiến sĩ biên phòng, tôi được biết các anh phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Địa bàn mà các anh quản lý trải dài dọc biên giới, giao thông đi lại khó khăn, nhiều chỗ phải đi bộ. Anh Quân bảo làm dân vận phải nắm được tâm tư nguyện vọng của bà con. Ngay cả chuyện sinh đẻ kế hoạch, tảo hôn xảy ra ở bản nào, nhà ai... các anh đều phải biết.

Hay như chuyện một số bà con vẫn còn tư duy ỷ lại chưa muốn thoát nghèo. Đợt hội chợ việc làm mới đây các công ty đến tận nơi tuyển nhưng thưa vắng người đến phỏng vấn tìm kiếm việc làm lắm. Anh Quân bảo, bà con Dao Thanh Y có thể đi rừng cả tuần chỉ để đào củ cho thu nhập chỉ vài trăm nghìn nhưng họ vẫn đi. Hồi quế, lúa, dong riềng thì bấp bênh nếu không phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết thì cũng phụ thuộc thương lái bên kia biên giới. Đã nghèo nhưng bà con thường sinh đông con. Có phương tiện tránh thai được phát miễn phí nhưng bà con không dùng. Bởi vậy, có lúc chiến sĩ biên phòng phải “nhập vai” cả cán bộ dân số.

Theo anh Quân, cái khó khăn nhất bây giờ là tuyên truyền vận động thế nào để bà con thay đổi nhận thức. Khi đã thay đổi được nhận thức rồi thì bà con sẽ làm theo, từ bỏ những tập quán lạc hậu. Như ở bản Phạt Chỉ (xã Đồng Văn) chẳng hạn, cách đây vài năm, toàn bộ các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo. Nay người dân trong bản đã bớt uống rượu hơn, chăm chỉ làm ăn. Trưởng bản Dường A Tài cho biết: Ở bản Phạt Chỉ, bây giờ bà con đua nhau phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất để tránh xa "con ma men" và "con ma" đói nghèo. Cán bộ biên phòng thường xuyên đến thăm, tuyên truyền động viên và giúp đỡ bà con làm nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thay đổi phương thức canh tác. Bà con chúng tôi quý cán bộ biên phòng lắm!”.

Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì phải biết “gửi quân vào dân”. Đội Vận động quần chúng của Đồn có 5 chiến sĩ nhưng còn có 6 chiến sĩ khác tăng cường làm phó bí thư đảng ủy của 6 xã biên giới thường xuyên hỗ trợ. Lực lượng này đã phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường nông thôn miền núi, làm kênh mương kiên cố, xây nhà giúp dân... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, chiến sĩ của đơn vị đã tham gia làm đường xây dựng nông thôn mới được 3km, cùng xây một ngôi nhà đồng đội trị giá 100 triệu đồng, nhận đỡ đầu 4 cháu học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường”; tặng quà và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đến thăm, tặng 1.820 suất quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đơn vị quản lý (tổng trị giá 380 triệu đồng); tham gia 91 ngày công xây dựng nông thôn mới tại các thôn bản biên giới...

BÁM VÀO DÂN ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, cho biết: Thời gian gần đây, hoạt động của các loại tội như: Buôn bán, sử dụng, tàng trữ ma túy, pháo nổ, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại... vẫn diễn ra. Điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cùng với trang bị, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu, yếu chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ. Quán triệt nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên, khắc phục khó khăn, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác vận động quần chúng và đạt được kết quả tốt. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, bám dân, cắm bản nên chiến sĩ biên phòng nhận được nhiều tin báo rất có giá trị, giúp lãnh đạo đồn, địa phương kịp thời xử lý. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã thu thập được trên 100 tin có giá trị của quần chúng, góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động, phòng, chống tội phạm của đơn vị.

Mải mê trò chuyện về công tác dân vận, anh Quân và một chiến sĩ khác đưa tôi đến bản Nà Dun, một bản mới của xã Hoành Mô lúc nào không hay. Chúng tôi vào thăm gia đình chị Phùn Tài Múi và anh Chíu A Si. Chị Múi mới khoảng 30 tuổi mà đã là mẹ của 4 đứa con. Chăm sóc các con khiến chị luôn bận bịu, toàn bộ kinh tế gia đình trông hết vào anh Si. Anh Quân thử tài vận động quần chúng của tôi bằng cách nhờ tôi mời chị Múi ra bàn uống nước để trò chuyện. Chị không biết tiếng Kinh trong khi tôi không biết tiếng Dao nên đành ra hiệu. Chị Múi chỉ lắc đầu. Anh Quân xen vào: “Đấy. Đúng là không biết tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó tiếp cận. Nếu biết tiếng, phong tục tập quán của bà con thì họ sẽ không còn tâm lý e ngại khi giao tiếp với mình nữa".

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Văn Dường người đã có thâm niên nhiều năm làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Nà Dun, cho biết: "Ngay trong bản nếu không biết tiếng của nhau cũng còn khó chứ đừng nói là người nơi khác đến. Vì thế từ trước đến giờ ở Nà Dun hay mấy thôn quanh đây, nếu trưởng thôn là người Dao thì phó thôn phải là người Tày hoặc ngược lại. Bố trí như thế để tiện công tác vận động quần chúng, tiện cho việc hỗ trợ các chiến sĩ biên phòng.

“Trong bản có bất kỳ thông tin gì mới chúng tôi đều thông báo với cán bộ biên phòng. Chỉ cần có người sang bên kia biên giới trái phép để làm thuê thôi là ngay lập tức các cán bộ sẽ biết”, ông Dường nói. Một năm bản này có bao nhiêu trẻ sinh ra, có trẻ nào bỏ học không, có một vụ việc gì mất trật tự nào không, tất cả đều có trưởng bản, công an viên sẵn sàng cung cấp.

Nhờ đó, tình hình các bản làng giáp biên cơ bản ổn định, quan hệ hai bên biên giới tiếp tục được củng cố và phát triển có chiều sâu; cơ bản nhân dân yên tâm sản xuất, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên; nhiều hủ tục lạc hậu được tuyên truyền xóa bỏ. Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, không có các hoạt động tập trung đông người để khiếu nại, gây rối an ninh trật tự. Đó là kết quả có được từ các đợt công tác địa bàn, tuyên truyền trong suốt hơn nửa năm qua. Hướng đến giáo dục tình yêu biên cương Tổ quốc cho giới trẻ, Đồn đã phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức được 15 lượt đi thăm và giới thiệu về hệ thống đường biên, cột mốc..., cử 16 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn các xã, phối hợp với chính quyền địa phương làm các công tác khác.

Để làm tốt công tác dân vận, Đồn đã tham mưu cho huyện, xã, thôn, bản tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại chính quyền và ngoại giao nhân dân, nhất là các cụm dân cư trên biên giới. Nhờ đó, xã Đồng Văn, Hoành Mô (Việt Nam) với trấn Động Trung (Trung Quốc) đã thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị nhân dân giữa hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Chia tay Hoành Mô, nhìn cảnh bà con hai bên biên giới vận chuyển những xe hàng tuần tự đi qua cửa khẩu tôi tin tưởng rằng tới đây khi trở lại nơi này đời sống của dân vùng biên sẽ khấm khá lên rất nhiều. Đời sống của bà con ngày càng no ấm không thể không nhắc đến công sức của các chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm bám dân, bám bản.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 17/9/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất