Thứ Năm, 9/1/2025
Dân vận khéo ở Đồn Biên phòng Huổi Luông
 

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Huổi Luông cùng anh Lý A Dơ chăm sóc đàn dê.
Ảnh: Đức Duẩn 


Con đường dân sinh ngoằn ngoèo đậm chất Tây Bắc uốn lượn qua hàng chục quả đồi trồng chuối dẫn chúng tôi tới Làng Vây 1, một bản vùng sâu của xã Huổi Luông. Đại úy Nguyễn Văn Đại, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Huổi Luông, người dẫn đường đưa chúng tôi tới bản trong suốt quãng đường chỉ nói tới một đề tài đó là tính tự vươn lên phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi này.

Anh Đại phấn khởi chia sẻ: “Toàn bộ những vạt chuối xanh ngút ngàn dọc đường là mồ hôi và công sức của bà con và bộ đội Đồn Biên phòng Huổi Luông. Còn nhớ năm 2010, Đồn Biên phòng Huổi Luông bắt đầu tiến hành lấy giống chuối trồng mô hình trình diễn ở một vài hộ để người dân đến tham quan, học tập. Khi đó, toàn xã chỉ có khoảng vài chục ha chuối ban đầu, giờ đây đã phát triển lên trên 1.000ha. Đây thực sự là thành quả không hề nhỏ trong công tác vận động quần chúng của đồn Biên phòng và sự nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân trong phát triển kinh tế vùng biên giới”.

Sinh sống ở bản Làng Vây 1, anh Lý A Dơ, sinh năm 1979, dân tộc Mông được bà con gọi vui là “đầu nậu” của bản. Bởi anh Dơ chính là một đầu mối chuyên thu mua nông sản với số lượng lớn tại đây. Nhận thấy người dân trong bản trồng được nhiều ngô, chuối, mà ở đây lại ít có thương lái vào để thu mua vì đường sá quá xa xôi cách trở.

Từ năm 2012, khi Đồn Biên phòng Huổi Luông tư vấn phát triển kinh tế cho địa phương, anh Dơ đã mạnh dạn đứng ra gom nhận nông sản của bản mang đi tiêu thụ. Việc kinh doanh từ đó trở nên phát đạt, năm 2016, anh Dơ tiếp tục vay vốn ngân hàng mua xe ô tô giá trị gần 600 triệu đồng để vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn và làm ăn lớn hơn. Ngoài ra, anh còn chăn thả dê núi với số lượng 30 - 40 con để tăng thu cho gia đình. Đến nay, thu nhập hằng năm của gia đình anh Dơ khoảng 300 triệu đồng; con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Anh Dơ còn được người dân trong bản tín nhiệm bầu làm Trưởng Công an bản.

Anh Lý A Dơ vui vẻ cho chúng tôi biết: “Trước đây, gia đình mình rất khó khăn. Để có tiền, mình đã đi mua giống ngô lai về trồng cùng với chăn nuôi lợn, nhưng cũng chỉ gọi là đủ ăn hằng ngày. Từ khi được cán bộ Biên phòng tới vận động trồng chuối và hướng dẫn cách chăn nuôi thì gia đình kinh tế mới phát triển hơn; vay thêm tiền của Nhà nước để mua xe ô tô buôn bán, thế nên bây giờ đã đỡ khó khăn rồi”.

Ở bản Làng Vây 1, không chỉ có gia đình anh Lý A Dơ, mà còn rất nhiều hộ khác được Đồn Biên phòng Huổi Luông giúp sức phát triển kinh tế, trong đó phải kể tới gia đình anh Vàng A Sài, sinh năm 1981, dân tộc Mông. Anh Sài cho biết, trước kia, gia đình anh chỉ trồng trọt, chăn nuôi bình thường, không đủ ăn hằng tháng, quần áo thiếu mặc nhiều. Tuy nhiên, khi được các chiến sĩ Biên phòng xuống tư vấn, giúp đỡ cách trồng trọt, chăn nuôi cụ thể, thiết thực và phù hợp nên 6 - 7 năm trở lại đây, gia đình không còn đói cái bụng nữa. Hiện, gia đình anh có khoảng 1.000 gốc chuối thương phẩm, bán ra thu được trên 50 triệu đồng mỗi năm, chưa kể chăn nuôi thêm. “Không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước, BĐBP đã giúp gia đình mình cũng như dân bản phát triển kinh tế. Không có BĐBP thì dân bản còn đói, còn nghèo” - Anh Vàng A Sài chia sẻ thêm.

Thực hiện nhiệm vụ trên một địa bàn rộng với 23 thôn, bản khó khăn, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông luôn bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp người dân nâng cao nhận thức về đảm bảo quốc phòng - an ninh miền biên giới. Đặc biệt, công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo luôn được Đồn Biên phòng Huổi Luông quan tâm. Đó là những mô hình trồng chuối, ngô lai, bò giống hay lợn sinh sản...

Trọng tâm trong công tác dân vận của Đồn Biên phòng Huổi Luông đó là tuyên truyền, giúp đỡ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như phong tục tập quán ở địa bàn. Dân vận “khéo” đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, đa số bà con đã biết tự chủ vươn lên trong lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững, tăng thêm lòng tin vào Đảng, Nhà nước và BĐBP.

Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông, Thiếu tá Đồng Đức Trang cho biết thêm, thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội với mô hình giúp dân phát triển kinh tế, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình, trong đó, mô hình trồng chuối tây là hiệu quả hơn. Hiện, mô hình này được nhân rộng ra toàn bộ 23 thôn, bản của xã. Với việc triển khai mô hình trồng chuối thương phẩm đã giải quyết được nhiều vấn đề cho bà con như xóa được đói nghèo và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện tại, đơn vị tiếp tục triển khai hướng dẫn người dân nhân rộng diện tích ngô lai, nuôi lợn, bò sinh sản để giúp đồng bào vùng biên định canh, định cư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Từ những việc làm thiết thực ấy, đời sống kinh tế của nhân dân trên địa bàn Huổi Luông đã được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống 21,3%. Kết quả quan trọng nhất là người dân vùng biên nơi này đã có ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, để qua đó xây dựng một vùng biên giới mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị.

Nguồn: bienphong.com.vn,ngày 08/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất