Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị theo hướng phục vụ dân, lấy dân làm gốc, chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, tạo được niềm tin của nhân dân, thời gian qua, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều kế hoạch, chương trình để xây dựng mục tiêu đó. Sau hơn một năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, địa phương vẫn đang nỗ lực khắc phục những khuyết điểm, vướng mắc.
Nói về quyết định triển khai mô hình “Phường, xã vì dân”, Phó Bí thư TP Tây Ninh Thành Từ Dũ cho biết: “Phường, xã vì dân” là mô hình không mới về mục đích, ý nghĩa nhưng địa phương đã nhìn nhận một thực tế rằng, hệ thống chính trị vốn đã quen vận hành theo cơ chế hành chính cũ, vẫn còn một sức ỳ khiến người dân không thật sự hài lòng. Phường, xã là cấp hành chính gần dân nhất; là nơi thể hiện mối quan hệ mật thiết gắn bó nhất giữa nhân dân với chính quyền. Mô hình được thực hiện với mong muốn cần có một thay đổi trong nhận thức, phương thức vận hành trên nền hành chính đang thực hiện.
Để thực hiện mô hình này, chính quyền TP Tây Ninh đề ra những mục tiêu rất cụ thể, như: Về cải cách hành chính, thành phố hướng đến việc xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó mạnh dạn thí điểm tinh giản tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức; đặt ra mục tiêu 100% số thủ tục có hẹn thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống một cửa điện tử; cán bộ, công chức phải công khai xin lỗi người dân khi thực hiện chậm trễ thủ tục hành chính; thực hiện gửi thư chức mừng hoặc thư chia buồn đến người dân khi có hỷ sự, tang tế; xây dựng cơ quan, đơn vị sạch đẹp, cán bộ, công chức niềm nở, ân cần, lịch sự, văn minh khi giao tiếp với dân;... Khi kế hoạch về thực hiện mô hình này được triển khai, một ban chỉ đạo và tổ giúp việc đã được thành lập. Thành ủy đã tổ chức các đoàn công tác đi làm việc với các địa phương để quán triệt, tuyên truyền, giải thích rõ hơn về mục đích, yêu cầu và những việc phải làm trong mô hình. Sau một năm triển khai, nhất là tại ba địa phương (phường 3, phường Ninh Thạnh và xã Tân Bình) được chọn làm thí điểm đã có những kết quả tích cực. Có thể kể đến như nhiều phong trào, mô hình trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân được phát động, triển khai thực hiện: Phong trào “5 xin, 3 biết” (Xin chào, xin mời ngồi, xin lỗi, xin cảm ơn, xin hẹn gặp lại; biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin) trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; cung cấp dịch vụ công trực tuyến để đa dạng hóa các hình thức phục vụ nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính của người dân; triển khai tốt phần mềm một cửa điện tử để giảm sự đi lại của người dân, tạo cơ chế để dân dễ giám sát tiến trình giải quyết thủ tục hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
Ấn tượng hơn, nhiều cán bộ chủ chốt của thành phố đang sử dụng các trang mạng xã hội để tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân, đã mang lại hiệu quả tích cực. Người dân xem đây là một kênh giao tiếp khi cần gửi tâm tư, nguyện vọng của mình. Năm qua, các phòng chức năng của TP Tây Ninh đã nhận 259 phản ánh, kiến nghị từ mạng xã hội, bằng 205,56% so hình thức phản ánh qua đơn thư truyền thống (126 đơn). Đơn cử, nhiều năm qua, nhiều người dân TP Tây Ninh biết đến trang facebook cá nhân của Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh Trần Hữu Hậu với hơn 1.700 lượt người theo dõi. Có lần, đồng chí Trần Hữu Hậu chia sẻ: Việc sử dụng mạng xã hội một cách tích cực đã giúp chúng tôi hiểu và chia sẻ với người dân một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Phường Ninh Thạnh được đánh giá là địa phương thực hiện có hiệu quả nhất mô hình này. Điểm nhấn mà Ninh Thạnh tạo được chính là việc lãnh đạo phường rất chủ động và linh hoạt triển khai các kế hoạch được giao. Bên cạnh các công tác mang tính “ấn định”, phường Ninh Thạnh còn tạo được nhiều hoạt động ý nghĩa để phục vụ nhân dân. Bí thư Đảng ủy phường Ninh Thạnh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: Nhằm hỗ trợ công tác thủ tục hành chính, phường có một nhóm hỗ trợ viết hồ sơ cho công dân. Thậm chí, với những người khó khăn trong việc đi lại, phường sẽ cử cán bộ đưa đón tận nơi giúp người dân hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định. Bà Trương Thị Minh Phương, một hộ dân thuộc hộ nghèo của phường, bị mù chữ xúc động cho biết: Các cán bộ khi biết hoàn cảnh của tôi đã đến tận nơi hướng dẫn thủ tục, sau đó còn đưa tôi lên khu hành chính của thành phố thực hiện tiếp quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, bà Phương còn được UBND phường và MTTQ phường hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết. Bí thư Đảng ủy phường Ninh Thạnh Nguyễn Thị Thanh Thúy nhấn mạnh: “Việc phục vụ người dân ngày càng tốt hơn là việc chúng tôi đã và đang nỗ lực. Khi chúng ta đã cố gắng, đã làm tốt thì người dân sẽ có sự tương tác tích cực với chính quyền”.
Sau một năm triển khai, những kết quả tích cực từ mô hình “Phường, xã vì dân” là điều đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục được lan tỏa, đồng chí Thành Từ Dũ cũng chỉ ra những hạn chế, như: Việc triển khai, tổ chức thực hiện mô hình ở nhiều phường, xã vẫn lúng túng, chậm so với yêu cầu; thậm chí, có địa phương sao chép, rập khuôn, dù thực tế đặc thù các địa phương khác xa nhau khiến hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, các biện pháp, nội dung, hình thức tuyên truyền, quán triệt của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về mô hình này chưa phong phú, sâu sát. Đặc biệt, nhận thức của một số cán bộ, công chức và người dân còn hạn chế, dù mô hình đã “chạy” được hơn một năm. Việc thay đổi nhận thức có thể xem là sự “sống còn” đối với mô hình. Ban chỉ đạo của mô hình chỉ rõ, tại một số địa phương, cán bộ, công chức chỉ thực hiện theo kiểu “chỉ sao làm vậy” mà không có đề xuất, kiến nghị nào.
Theo Ban chỉ đạo mô hình, nhân lực thực hiện mô hình này cũng là một hạn chế rất lớn. Thực tế, tất cả thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc hiện đều hoạt động kiêm nhiệm, và hầu hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, chưa dành nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trong năm 2018, TP Tây Ninh lựa chọn chủ đề là “Sâu sát, gần gũi, chủ động, tích cực và vì dân” để tiếp tục triển khai mô hình này. Ban chỉ đạo cũng đề ra những giải pháp như: hoàn chỉnh tài liệu tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo hướng thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện; tăng cường xuống cơ sở để kịp thời hướng dẫn, định hướng và giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho phường, xã; cam kết triển khai tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ lãnh đạo, quản lý; giải quyết các bức xúc trong dân bằng các giải pháp kiên quyết, kịp thời và phù hợp;...
Trần Quang Quý /Báo Nhân dân điện tử