Thứ Năm, 25/4/2024
"Chìa khóa" vận hành chính quyền điện tử

Ông Võ Đức Hạnh, Trưởng Ban Quản lý điều hành Dự án xây dựng CQĐT tỉnh, cho biết: Đào tạo công dân điện tử có thể coi là “chìa khóa” trong vận hành CQĐT. Vì nếu không có công dân điện tử, CQĐT có xây dựng thành công cũng không thể được vận hành trơn tru và đạt được hiệu quả cao. Dù nòng cốt của xây dựng CQĐT là công nghệ thông tin, nhưng đào tạo công dân điện tử không chỉ là cung cấp rộng rãi cho người dân kiến thức về công nghệ thông tin, mà quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của người dân về cách thức vận hành, hoạt động của CQĐT. Chỉ khi người dân thấy rõ được nhu cầu, lợi ích, vai trò và cả trách nhiệm của mình khi tham gia vào CQĐT thì lúc đó mô hình này mới phát huy tối đa hiệu quả và đạt được mục tiêu quan trọng nhất là vì sự hài lòng của nhân dân.

Nắm được tầm quan trọng của yếu tố này, trong quá trình triển khai xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt vai trò chủ chốt trong đào tạo CQĐT. Từ khi bắt đầu xây dựng CQĐT đến nay, Sở đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho người dân những kiến thức về CQĐT, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng là cán bộ nòng cốt tại cơ sở, như: Bí thư chi bộ; trưởng thôn, khu, bản; bí thư đoàn thanh niên; hội trưởng hội phụ nữ… Các kiến thức về CQĐT được phổ biến đa dạng, từ kiến thức về mã nguồn mở với hệ điều hành Ubuntu, phần mềm soạn thảo Open Office… đến việc khai thác mạng internet, quản lý văn bản trên môi trường mạng, chữ ký số... Ban Quản lý điều hành Dự án xây dựng CQĐT tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về CQĐT cho đội ngũ cán bộ công chức, những người trực tiếp làm nhiệm vụ trong môi trường CQĐT để tạo lực lượng nòng cốt, phổ biến rộng rãi hơn nữa kiến thức cho công dân điện tử.

Không chỉ dừng lại ở việc tập huấn, phổ biến kiến thức về CQĐT cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, việc đào tạo công dân điện tử đã và đang được tỉnh chú trọng triển khai ngay từ các nhà trường cho các “công dân nhí” - đối tượng gắn liền với sự đổi mới, có điều kiện tốt để tiếp cận và sử dụng môi trường mạng và nhạy bén với công nghệ số, với mục tiêu đào tạo những công dân điện tử đích thực trong tương lai. Để thực hiện phần việc này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn thường xuyên, tích cực tuyên truyền về mô hình CQĐT và trung tâm hành chính công, giúp học sinh, sinh viên nhanh chóng nắm bắt được việc sử dụng, khai thác hệ thống CQĐT. Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phong phú với việc lồng ghép ngay trong các tiết học chính khóa, tổ chức các tiết học ngoại khoá, giờ sinh hoạt chung... Các nội dung tuyên truyền là những vấn đề cơ bản nhất trong CQĐT, như: Tải, gửi văn bản thủ tục hành chính, làm, nộp hồ sơ điện tử qua mạng...

Cùng với ngành Giáo dục, tổ chức Đoàn toàn tỉnh cũng đang nỗ lực trong công tác đào tạo công dân điện tử thông qua việc lồng ghép chặt chẽ với phong trào học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học trong đối tượng đoàn viên, thanh, thiếu nhi toàn tỉnh. Đến nay, toàn Đoàn đang duy trì hoạt động trên 300 CLB ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở đoàn và các trường THCS, THPT. Đoàn cũng tích cực tổ chức các điểm học tin học, ngoại ngữ miễn phí cho ĐVTN và người dân; tổ chức thường niên các Hội thi “Hùng biện ngoại ngữ”, “Tin học trẻ” thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Cùng với đó, tổ chức Đoàn cũng thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn công dân điện tử cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở. Các nội dung tập huấn bao gồm: Quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả trực tiếp thông qua các phần mềm, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ, chữ ký số, được cung cấp tại website dichvucong.quangninh.gov.vn...

Đến nay, Đề án Xây dựng CQĐT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, như: 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có mạng internet; 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có mạng nội bộ; hệ thống một cửa điện tử được triển khai đến 100% đơn vị trong toàn tỉnh, kết nối 27 sở, ban, ngành, 14 UBND và 14 trung tâm hành chính công cấp huyện với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh... Cùng với những nỗ lực của việc đào tạo công dân điện tử, tin rằng, việc xây dựng và vận hành CQĐT của tỉnh sẽ tiếp tục thu được những kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Minh Hà/Báo Quảng Ninh điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất