Thứ Ba, 26/11/2024
Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

1. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là khi trải qua các sự kiện lịch sử lớn lao, quyết định vận mệnh, sự phát triển trường tồn của đất nước, nhân dân luôn có vai trò, đóng góp vô cùng quan trọng.

Nhân dân là chủ thể, quyết định sự phát triển của lịch sử. Sức mạnh của quần chúng nhân dân quyết định sự thành - bại của mọi cuộc cách mạng; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1).

Trong toàn bộ hoạt động, Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”; xác định cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; coi việc đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ của công dân là động lực thúc đẩy phong trào quần chúng; phát huy vai trò làm chủ, sức mạnh của nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức các đoàn thể.

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh (BVAN) quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng bảo vệ. Vì vậy, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an nhân dân (CAND) không ngừng gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, ngày càng chứng minh rõ hơn: “CAND là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”(2), “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì ta thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3).

Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quần chúng nhân dân đã đóng góp công sức, tính mạng và tài sản, cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ trật tự, trị an. Thông qua các phong trào “Phòng gian bảo mật”, “Ba không” trong kháng chiến chống Pháp; phong trào “Ba phòng”, “Diệt ác trừ gian”, “Bảo vệ trị an” trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân ta đã trở thành bức tường thành vững chắc, là chỗ dựa tin cậy của lực lượng CAND trong đấu tranh chống gián điệp, biệt kích, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ các lực lượng tham gia kháng chiến, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự và thành công chung của cuộc cách mạng.

Sau khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hướng dẫn, tổ chức của lực lượng nòng cốt, nhân dân tiếp tục sát cánh giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh, đập tan âm mưu bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, tích cực tham gia các phong trào BVAN, trật tự, phòng, chống thiên tai, tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ BVAN, trật tự ngày càng nặng nề hơn. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc trong tình hình mới”, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về biện pháp vận động quần chúng BVAN quốc gia, giữ gìn TTATXH; về bảo vệ dân phố; bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp… Bộ Công an có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh phong trào toàn dân BVAN Tổ quốc, tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực BVAN, trật tự. Nhằm tôn vinh vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp BVAN, trật tự, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa nhân dân với lực lượng CAND, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19/8 hằng năm là Ngày truyền thống của lực lượng CAND, đồng thời là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến được xác định là con đường ngắn nhất để thúc đẩy phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc, phát huy sức mạnh của nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Trong giai đoạn 2006 - 2018, cả nước có 2.080 mô hình trong phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc, trong đó nhiều mô hình phát huy hiệu quả tốt, như: “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự”, “Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự”, “Dòng họ, tộc họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Tổ, nhóm liên gia tự quản về an ninh, trật tự”, “Camera phòng, chống tội phạm” và các mô hình: Ban bảo vệ dân phố; dân phòng; tổ, đội tự quản an ninh, trật tự; câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; tổ tuần tra nhân dân... đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng triệu tin có giá trị cao, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá hơn 300.000 vụ án, bắt giữ gần 200.000 đối tượng; triệt phá hàng vạn băng, ổ nhóm tội phạm, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực làm chủ của nhân dân, tạo môi trường ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Cùng với việc tham gia công tác BVAN, trật tự tại cơ sở, quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, thông qua các hình thức đóng góp ý kiến, kiến nghị tại các hòm thư do cơ quan Công an tổ chức; tham gia các hội nghị đóng góp ý kiến về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của cán bộ, chiến sĩ Công an, trực tiếp tham gia ý kiến trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội cấp ủy các cấp theo nhiệm kỳ ở các địa phương đối với các đồng chí Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện.

Đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp BVAN, trật tự, những cống hiến, đóng góp to lớn của lực lượng CAND đối với sự trường tồn, vững mạnh của đất nước, càng thấy rõ hơn sức mạnh của CAND luôn khởi nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chính là phong trào cách mạng của Đảng, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ BVAN, trật tự, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. 

2. Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản để đất nước ta thực hiện các mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, gay gắt hơn; tình hình an ninh, chính trị nội bộ, an ninh trong tôn giáo, dân tộc, an ninh mạng vẫn tiềm ẩn những nhân tố dễ gây mất ổn định. Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp hơn. Tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng diễn biến rất phức tạp; TTATXH tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất an trong nhân dân. 

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, TTATXH là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và CAND là nòng cốt”(4). Để tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh quần chúng nhân dân trong sự nghiệp BVAN, trật tự, lực lượng CAND tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong tâm sau:

(1) Chú trọng làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng để quần chúng nhân dân hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ BVAN quốc gia, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới và nhận thức đúng đắn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong công tác BVAN, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

(2) Chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất cấp ủy chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nhân dân nắm bắt kịp thời, đồng thuận cao, thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả những vấn đề còn thiếu thống nhất, đồng thuận, gây bức xúc dư luận, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động gây chia rẽ; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thực hiện dân chủ để đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

(3) Quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự và công tác dân vận trong CAND để bảo đảm đồng thời ba thành tố “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó phải tăng cường vận động, giúp nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tự giác, tích cực, đủ năng lực, kỹ năng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng Công an với nhân dân.

(4) Đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức phong trào quần chúng BVAN Tổ quốc, chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến. Duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an với các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm xây dựng thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thế chủ động trong thực hiện nhiệm vụ BVAN, trật tự.

(5) Tiếp tục xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đảm nhiệm tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp BVAN, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc. Chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, kỷ cương, kỷ luật, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an; xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến trong thực hiện nhiệm vụ BVAN, trật tự, xây dựng lực lượng CAND. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải vừa có đức, vừa có tài, liên hệ mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt công tác dân vận, thật sự tiên phong, gương mẫu, liêm chính, tâm huyết, vì Đảng, vì dân.

(6) Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị định 01 của Chính phủ, bảo đảm tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu; đề xuất hoàn thiện các căn cứ pháp lý để triển khai bố trí Công an xã chính quy, từ đó lực lượng Công an ngày càng gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, nhà trường và các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.                                                                        

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.726.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, tr.406, Hà Nội, 2009.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 6, tr.366, Hà Nội, 2009.

(4) ĐCSVN-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB CTQG.2016, tr.148.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất