Thứ Bảy, 11/1/2025
Sắp xếp lại đơn vị hành chính không gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân
 

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Điều chỉnh địa giới hành chính phải được trên 50% cử tri đồng ý

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng Đề án. Trung ương cũng đã bàn rất kỹ, lấy ý kiến rất nhiều cơ quan, bộ, ngành với mục tiêu là sắp xếp lại để bộ máy hành chính vận hành hiệu lực, hiệu quả hơn.

“Nơi nào đủ điều kiện, cử tri đồng tình thì triển khai sắp xếp. Nơi chưa đủ thì tiếp tục vận động, tuyên truyền và làm sau khi có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân bởi theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến cử tri và đạt trên 50% cử tri đồng ý mới báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.

Đồng thời, căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính để có chính sách cho phù hợp về lương, phụ cấp, chế độ làm việc để cán bộ yên tâm làm việc.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết mới về sắp xếp, tinh gọn bộ máy cấp huyện, cấp xã sao cho hiệu quả trong thời gian tới.

Đại diện nhiều địa phương cho rằng, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã dứt khoát không gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân trong chuyển đổi các loại giấy tờ thủ tục có liên quan. Đồng thời, có chính sách đối với cán bộ dôi dư do quá trình sắp xếp lại đơn vị cấp huyện, cấp xã tránh xáo trộn lớn, thiệt thòi, tâm tư.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại Hội nghị và đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị.

Làm rõ thêm về Nghị quyết số 18 của Trung ương và các văn bản có liên quan, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết mục tiêu sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến 2021 là sắp xếp các xã chưa đạt tiêu chí về quy mô và dân số, từ 2021-2030 là sắp xếp lại cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng cần xem xét các yếu tố đặc thù riêng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, kinh tế… đánh giá toàn diện, không cơ học, máy móc, nếu sáp nhập mà làm xáo trộn thì không nên sáp nhập.

Về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân, có trên 50% tổng số ý kiến cử tri đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cần thực hiện đúng quy định, thể hiện rõ bản chất Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, những vấn đề có liên quan đến nhân dân trên địa bàn đều lấy ý kiến nhân dân, việc lấy ý kiến phải thực chất.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý để triển khai. Đó là Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Nghị quyết số 1221 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 10 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương…

Từ nay đến 2021 sắp xếp lại 16 huyện, 637 xã trong toàn quốc

Các văn bản chỉ đạo trên đã xác định rõ: Các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền việc triển khai, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định.

Về mục tiêu số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp từ nay đến năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Phải sắp xếp lại các huyện, các xã chưa đạt tiêu chí 50% về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Như vậy, thời gian tới chúng ta sẽ tiến hành sắp xếp 16 cấp huyện và 637 cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chí cơ bản trên. Nếu các địa phương mở rộng thêm diện sắp xếp lại căn cứ trên thực tiễn thì Bộ Chính trị và Chính phủ rất hoan nghênh.

Mặt khác, căn cứ về tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số cũng chỉ là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Một đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, cần xem xét cả những tiêu chí đặc thù khác như địa lý tự nhiên, truyền thống lịch sử, tập quán văn hóa, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, lối sống của cộng đồng dân cư để xem xét toàn diện. Nếu có yếu tố tiềm ẩn khó khăn, thách thức phải hết sức chú ý, quan tâm.

Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời để triển khai đồng bộ, đánh giá hết tác động, có bước đi, cách làm đúng trình tự thủ tục, trân trọng cán bộ, công chức đã đóng góp lớn cho chính quyền cơ sở, có chế độ chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ”, “trả công rồi quên ơn” đối với cán bộ nghỉ công tác trong quá trình sắp xếp, tinh giản, huy động họ tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền tốt để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Để chủ động và bảo đảm đồng bộ trong việc triển khai, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới cần thực hiện một số công việc lớn sau.

Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, hướng dẫn và kiểm tra các cấp ủy xây dựng phương án sắp xếp bộ máy theo phân cấp, hướng dẫn về công tác nhân sự kết hợp nội dung của Đại hội nhiệm kỳ tới của cấp huyện, cấp xã những nơi thực hiện sắp xếp lại; Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu những kinh nghiệm tốt nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội; Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét trong tháng 8/2018, phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết riêng về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh…

Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá các tác động của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để bổ sung hoàn thiện Đề án.

Lê Sơn/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất