Thứ Năm, 25/4/2024
Phú Thọ thực hiện có hiệu quả 5 nội dung công tác dân vận chính quyền

Phát huy những kết quả đã đạt được về công tác dân vận, từ đầu năm 2018 đến nay các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với ban dân vận cấp ủy đồng cấp thực hiện được một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất: Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ, quán triệt văn bản mới về công tác dân vận được chú trọng cả về diện rộng và chiều sâu. Đã xây dựng và phát sóng 02 phóng sự truyền hình về công tác dân vận chính quyền (quý I/2018, trên sóng Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Phú Thọ qua chuyên mục "Đảng trong cuộc sống"; quý II/2018, trong chương trình Thời sự và chuyên mục "Đảng trong cuộc sống hôm nay" của Đài Truyền hình Việt Nam); đăng tải trên 20 tin, bài về công tác dân vận trong chuyên mục “Dân vận” trên Báo Phú Thọ...

Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ trong hệ thống chính trị đã quan tâm đến cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với Nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 01 lớp bồi dưỡng tập huấn, các kỹ năng xử lý tình huống dân vận cho 93 học viên là cán bộ Ban dân vận, phòng Nội vụ cấp huyện, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Cấp huyện đã tổ chức được 06 lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác dân vận cho 695 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, xã, cán bộ phụ trách công tác dân vận, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ, tôn giáo, cán bộ, công chức tại các bộ phận “Một cửa”, tư pháp, địa chính... Công tác quán triệt các văn bản mới của Trung ương và tỉnh về công tác dân vận, trong đó có Kế hoạch phối hợp thực hiện Năm dân vận chính quyền và văn bản hướng dẫn các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Điểm mới trong các lớp tập huấn, quán triệt văn bản mới của cấp trên về công tác dân vận trong đó có công tác dân vận chính quyền đó là sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, huyện và lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện trực tiếp giảng, truyền đạt văn bản mới.

Thứ hai: Công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ được đẩy mạnh

Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 100% các sở, ban, ngành; UBND huyện, thành, thị; UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì nền nếp việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa để giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; tiếp tục rà soát, thực hiện công bố bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị; nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp qua hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại UBND TP Việt Trì, các huyện Hạ Hòa, Yên Lập. Việc sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện một cách cẩn trọng. Việc thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai đồng bộ. Nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện lựa chọn nội dung trọng tâm thực hiện như: Học tập và làm theo phong cách báo Hồ Chí Minh (Báo Phú Thọ); nâng cao y đức, đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh (Sở Y tế); nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Giáo dục Đất Tổ tận tuỵ, hết lòng phục vụ Nhân dân (Sở Giáo dục và Đào tạo); cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng lực chuyên môn, trung thực, trách nhiệm, tận tâm, giải quyết công việc nhanh, hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động (Sở Kế hoạch và Đầu tư)...

Thứ ba: Nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở và quan tâm xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở và Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 25/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập"; công khai số điện thoại đường dây nóng, các trang thông tin điện tử của sở, ngành, UBND cấp huyện; các văn bản luật; lịch tiếp công dân, lịch làm việc của lãnh đạo tỉnh, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; bộ thủ tục hành chính; bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết, phí, lệ phí, thời gian giải quyết từng loại công việc... Chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội công khai, lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân đối với nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; rà soát, bình xét hộ nghèo; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án trên địa bàn... góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong cơ quan, đơn vị được quan tâm tổ chức thực hiện. Xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: "Cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc trong cán bộ, công chức"; "Dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo", "Giao tiếp ứng xử văn hóa với bệnh nhân trong khám và chữa bệnh"; "Vận động Nhân dân nộp thuế đảm bảo thu ngân sách Nhà nước"; "Tuyên truyền, giáo dục học sinh ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ"; "Tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác có hiệu quả kinh tế đồi rừng", "giáo dục, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện, tự giác thi hành án"...  Thông qua việc thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã giúp cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ biết cách làm dân vận, có tác phong quần chúng; tăng cường đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ tiếp xúc, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, đảm báo thấu tình đạt lý và có trách nhiệm với Nhân dân.

Thứ tư: Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc

Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Dân vận cấp huyện duy trì nền nếp việc tham gia tiếp công dân cùng với Ủy ban nhân dân đồng cấp vào ngày mùng 10 và 20 hằng tháng. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo, người đứng đầu chính quyền, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, không có việc công dân lợi dụng hoặc bị lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tập trung đông người.

Công tác đối thoại với Nhân dân tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và duy trì thực hiện, điển hình như: Công an tỉnh Phú Thọ đã tổ chức điểm diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” tại 16 xã và 01 huyện (Hạ Hòa); Ban Tôn giáo tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và đối thoại với 250 vị là chức việc, chức sắc tôn giáo; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Sở với trên 300 đại biểu là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thuộc các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Giáo dục nghề nghiệp; Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại về pháp luật lao động và công tác an toàn, vệ sinh lao động với lãnh đạo UBND cấp huyện và hơn 40 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân theo Quyết định 2080-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực sự đi vào nền nếp. 13/13 huyện, thành, thị đều đưa nội dung đối thoại vào chương trình công tác năm của cấp ủy, chính quyền; đồng thời chú trọng việc tổ chức đối thoại đột xuất trong quá trình triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của địa phương và tỉnh. Đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 67 cuộc đối thoại đột xuất: thành phố Việt Trì 56 cuộc (trong đó cấp xã có 42 cuộc), huyện Thanh Sơn 01 cuộc (xã Hương Cần), Đoan Hùng 03 cuộc (cấp huyện: 01, cấp xã: 02, tại xã Nghinh Xuyên và Phương Trung), huyện Cẩm Khê 02 cuộc (xã Văn Bán), thị xã Phú Thọ 05 cuộc (xã Hà Lộc: 04, xã Trường Thịnh: 01) với 1.836 người tham gia, 243/275 ý kiến đã được giải quyết tại hội nghị. Nội dung các cuộc đối thoại đột xuất tập trung vào các vấn đề: bồi thường, hỗ trợ liên quan đến thi công, giải phóng mặt bằng các dự án; việc mở rộng dự án trên địa bàn; vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng khu tập kết rác thải; xây dựng nhà trái phép… Thông qua các hội nghị đối thoại đột xuất lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thông báo, công khai các thông tin về chương trình, dự án trên địa bàn; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân; kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

Thứ năm: Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Nhiều cấp ủy đảng đã chủ động đưa nội dung thực hiện công tác dân vận, thực hiện dân chủ ở cơ sở vào chương trình kiểm tra, giám sát ngày từ đầu năm. Tính đến ngày 25/5/2018, 6/13 huyện, thành, thị ủy đã tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác dân vận, thực hiện dân chủ, tôn giáo tại 25 chi, đảng bộ cơ sở. Ban Dân vận các cấp đã tăng cường phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện kiểm tra, giám sát đối với công tác dân vận, đặc biệt là các nội dung về dân vận chính quyền, cụ thể: Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra kết quả 10 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 148- TB/TW ngày 04/4/2008 của Bộ Chính trị về “Giải quyết nhà, đất có liên quan đến tôn giáo” tại 03 đơn vị; 10/13 Ban Dân vận  huyện, thành, thị đã phối hợp Công an cấp huyện thành lập 12 đoàn kiểm tra kết quả 03 năm thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2016-2020 tại 51 đơn vị. Thực hiện Kế hoạch số 57 ngày 27/4/2018  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 25 của BCHTW về công tác dân vận trong đó có công tác dân vận chính quyền tại 03 đơn vị cấp huyện, 06 đơn vị cấp xã. Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, UBMTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức giám sát trực tiếp tại 03 huyện, 06 xã về cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và kiến nghị với UBND các cấp một số nội dung cần khắc phục sau khi thực hiện cuộc giám sát.

Có thể khẳng định rằng: những kết quả bước đầu đã đạt được trong Năm dân vận chính quyền của tỉnh Phú Thọ là những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở; đó cũng là những khởi động quan trọng để Năm dân vận chính quyền sẽ thu được những thành công hơn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, để tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ./.

Đỗ Thị Thu Hồng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất