Thứ Bảy, 27/4/2024
Khi dân hiểu, dân tin...

 Cán bộ Đồn BP Đắk Xú hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch. Ảnh: Văn Lý

Khi người dân no, ấm

Chúng tôi tới Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum khi gần hết giờ làm việc buổi sáng, trời đang nắng nóng. Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh tranh thủ đưa chúng tôi vào thôn Tà Poók, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách Sở chỉ huy hơn 80km. Anh nói, cuối giờ chiều anh còn có buổi sinh hoạt đơn vị. Tuy bất ngờ, nhưng dự đoán sẽ có chi tiết thú vị nên chúng tôi cũng tất tả đi theo.

Câu chuyện Đại tá Toàn kể dọc đường cứ đọng mãi trong trí nhớ của chúng tôi về nghĩa tình quân dân nơi thâm sơn cùng cốc. Chuyện là ông A Nhờ, sinh năm 1956, ở xã Đắk Nông, là bệnh binh, thuộc diện gia đình chính sách. Năm 2015, Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum hỗ trợ gia đình ông 2 con bò cái theo mô hình “Bò giống cho người nghèo biên giới”. Cuối năm 2017, đã có thêm 2 chú bê đực ra đời. Do cuộc sống khó khăn, ông A Nhờ điện báo Phòng Chính trị, xin bán 1 con bê để lấy tiền chữa bệnh cho vợ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, ông A Nhờ và vợ ông - bà Y Yểu, sinh năm 1964, rất vui khi kể về sinh kế thoát nghèo của gia đình. Ông Nhờ nói, cả cuộc đời ông cũng không dám mơ, vì bản thân là bệnh binh, vợ lại hay bị đau ốm. Gia đình 4 miệng ăn nhìn cả vào 1ha rẫy và 0,5ha lúa nước. Đến cơm ăn còn bữa đói, bữa no, lấy đâu ra tiền để mua bò giống. May nhờ sự quan tâm của Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum nên đến nay, ông đã có được 2 con bò và 2 con bê. “Nếu phải bán đi 1 con bê thì tiếc lắm, nhưng không bán thì không có tiền mua thuốc chữa bệnh” – Ông Nhờ bộc bạch.

Sau khi trò chuyện, tìm hiểu nguyện vọng gia đình, Đại tá Phạm Cảnh Toàn đồng ý để ông Nhờ bán 1 con bê lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Ngoài ra, đơn vị sẽ tìm mua 1 con bê cái khác để đổi cho con bê đực mà ông đang nuôi... Biết việc này, bà Y Yểu mừng lắm, nhẩm tính trên đốt ngón tay rồi reo lên: “Vậy là tới đây, nhà mình sẽ có thêm 3 con bê nữa à”. Chứng kiến niềm hân hoan của gia đình, bắt gặp ánh mắt tin cậy của vợ chồng ông A Nhờ lúc chia tay, tôi ngộ thêm “triết lý” của lính Biên phòng: Muốn dân tin, dân ủng hộ, trước hết phải làm cho dân no bụng, ấm lòng.

Đại tá Phạm Cảnh Toàn cho biết, mô hình “Bò giống cho người nghèo biên giới” của BĐBP Kon Tum được triển khai rộng khắp trên biên giới và rất hiệu quả, giúp cho hàng chục gia đình người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Điển hình là xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, từ 15 con bò giống do Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum hỗ trợ đến nay đã phát triển thành 63 con.

Nuôi con của phạm nhân

Khi chúng tôi tới nhà của Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng (BP) Đắk Xú (nằm ở thôn Chiên Chiết, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi) đã thấy anh em trang phục chỉnh tề, đang chuẩn bị xuống cơ sở. Đại úy Hồ Hữu Ngạn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đưa chúng tôi ra thăm công trình nước sạch do đơn vị làm cho bà con sử dụng. Ngạn nói, trước kia, gần 600 người dân tộc Xơ Đăng ở hai làng Đắk Long và Đắk Giao, xã Đắk Xú luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, nhất là vào mùa khô.

Năm 2016, Đồn BP Đắk Xú đã phối hợp với chính quyền và các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng công trình nước tự chảy, tổng giá trị gần 100 triệu đồng. Không chỉ đưa nước về cho bà con sinh hoạt, đơn vị còn xây bể lọc, khử trùng nên đồng bào rất phấn khởi.

Đang giặt quần áo tại công trình nước sạch, chị Y Thủy, 22 tuổi, ở thôn Đắk Long kể: Trước kia phải đi qua bên kia đồi, cách đây 1km mới lấy được nước, vất vả lắm. Có khi phải đốt đuốc đi ban đêm hay lúc trời đang giông gió để lấy nước. Nhiều người từng bị ngã, bị rắn cắn khi đi lấy nước về dùng. Bây giờ chỉ đi một đoạn là thoải mái tắm giặt rồi. Thích lắm!

Không chỉ lo nước sạch cho bà con, những năm qua, Đồn BP Đắk Xú còn có nhiều việc làm thiết thực như nhận đỡ đầu 2 mẹ già neo đơn; nhận hỗ trợ cho nhiều cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xúc động nhất với chúng tôi trong chuyến đi này là câu chuyện của Y Xa Lâm, ở thôn Chiên Chiết, xã Đắk Xú. Lần lượt trong 2 năm 2011 và 2013, chồng Lâm rồi đến Lâm bị bắt vì sử dụng, buôn bán chất ma túy.

Điều bất ngờ nhất là ngay sau đó, hai đứa con trai của vợ chồng Lâm đã được Đồn BP Đắk Xú nhận về nuôi dưỡng, cho học hành đàng hoàng. Năm 2015, khi ra tù (chồng Lâm đã mất vì bị bệnh), thấy 2 con khỏe mạnh và vẫn được đến trường, Lâm rất xúc động. Không những thế, Lâm còn được Đồn BP Đắk Xú và chính quyền địa phương xin cho vào làm công nhân cao su ở lâm trường.

Với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/ tháng, cuộc sống của mẹ con Lâm đã từng bước ổn định. Nhưng cái quan trọng nhất đối với chị là đã rũ bỏ được tội lỗi quá khứ để trở về với cuộc sống bình yên trong vòng tay bao dung của buôn làng và sự sẻ chia của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Xú.

Ông Nguyễn Hữu Bảng, Chủ tịch UBND xã Đắk Xú nói, lúc vợ chồng Lâm bị bắt, cả làng ai cũng ái ngại khi nghĩ về tương lai 2 đứa con của Lâm. Nhưng ai cũng sợ liên lụy, sợ hậu quả nên không ai dám nhận về nuôi. May có sự bao bọc, giúp đỡ của Đồn BP Đắk Xú nên các cháu mới được ăn học như ngày hôm nay.

Lan tỏa những mô hình hay, cách làm giỏi

Trong chuyến công tác này, đi tới bất cứ đâu dọc theo chiều dài 280km đường biên giới của tỉnh Kon Tum, chúng tôi đều nghe chính quyền và người dân kể về những việc làm, những tấm gương sáng của BĐBP trong giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình hay, thiết thực, hiệu quả của các đồn BP như hỗ trợ dân trồng cây bời lời, sâm dây, cao su tiểu điền, heo rừng lai, bò giống cho người nghèo... được người dân tiếp thu, nhân rộng.

Tại xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, người dân tộc Giẻ Triêng vẫn kể nhiều về  những việc làm của BĐBP giúp dân nâng cao dân trí, phát triển dân sinh với tấm lòng trân trọng. Trò chuyện với chúng tôi, ông A Nang, Chủ tịch UBND xã Đắk Nhoong, cho biết: Nơi đây địa hình chia cắt, đất dốc, đồi cao, quanh năm mây phủ, khí hậu khắc nghiệt. Cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn.

Theo Đại tá Nguyễn Cảnh Toàn, từ năm 2017 tới nay, các đơn vị BĐBP trong tỉnh đã giúp dân gần 2.000 ngày công; nạo vét 15km kênh mương nội đồng, sửa chữa, làm mới 45km đường giao thông liên thôn; sửa chữa 3 trường học, xây dựng gần 50 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; nhận đỡ đầu 66 cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”...

Cú hích mang tính trọng điểm của BĐBP Kon Tum đối với Đắk Nhoong là năm 2007. Lúc đó, cùng với “cầm tay, chỉ việc”, giúp cho bà con chuyển đổi cây trồng, phát triển đàn gia súc, đào ao thả cá là hàng loạt công trình như cứng hóa đường giao thông, công trình nước tự chảy, đập tràn cũng được BĐBP triển khai. Từ cú hích đó, cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc, dân trí cũng từng bước được nâng lên...

Hình ảnh đậm nét nhất với người dân Đắk Nhoong là thầy giáo mang quân hàm xanh. Ông A Nang nhớ lại: Cách đây 20 năm, tỷ lệ mù chữ chiếm hơn 90% trong tổng  số 1.600 người dân toàn xã. Mất rất nhiều công sức, với cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắk Nhoong đã tổ chức mở 60 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho trên 700 người dân. Nhờ biết cái chữ, tiếp cận được thông tin, người dân mới dần dần thay đổi tư duy trong chăn nuôi và trồng trọt. Từ sự quan tâm, đầu tư của Tỉnh ủy, UBND, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và BĐBP, cuộc sống của người dân Đắk Nhoong ngày càng khởi sắc, quốc phòng, an ninh luôn giữ vững...

Từ chỗ gần dân, gắn bó máu thịt với dân  bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực của người lính Biên phòng từ lâu người dân biên giới huyện Đắk Glei phía Tây dãy Trường Sơn cũng như đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới Kon Tum luôn yêu thương, đùm bọc, coi các anh như người thân trong gia đình, trong dòng họ...

Đăng Bảy/Báo Biên phòng

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất