Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận chính quyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Quy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại hội nghị.

Thời gian qua, nhận thức về vị trí, yêu cầu của công tác dân vận trong hệ thống hành chính, trong đội ngũ công chức được tiếp tục quán triệt và có chuyển biến tích cực. Đã khắc phục khá cơ bản tình trạng coi công tác dân vận là nhiệm vụ của hệ thống cơ quan dân vận, đoàn thể còn hệ thống hành chính chỉ thực hiện quản lý nhà nước theo pháp luật, bằng các công cụ hành chính.

Chính phủ và nhiều Bộ đã có Quy chế phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… với mục tiêu bao trùm là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng chính quyền.

Công tác dân chủ cơ sở trong hệ thống hành chính được triển khai từ khâu xây dựng, ban hành văn bản pháp luật đến tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội… với yêu cầu, đòi hỏi hàng đầu là bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 28 Luật, mỗi năm ban hành hơn 100 Nghị định trên tinh thần tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện và phát huy giá trị của mình… Việc lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân được chú trọng. Không ít trường hợp khi nhận được ý kiến đóng góp xác đáng của nhân dân, Chính phủ đã điều chỉnh, chỉ đạo các Bộ điều chỉnh ngay văn bản, chính sách mới được ban hành.

Tuyệt đại đa số cán bộ các cấp đều thống nhất nhận thức là dù chủ trương, chính sách đúng nhưng nếu không tuyên truyền, giải thích vận động tốt thì vẫn không thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả.

“Thực tiễn cho thấy, những dự án, công trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, địa phương nào tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần phát huy dân chủ, người dân được tham gia lựa chọn công trình, được tham gia xây dựng, giám sát và cả tham gia quản lý, vận hành, bảo dưỡng thì đầu tư tiết kiệm, phát huy hiệu quả. Trong khi không ít dự án, công trình, thậm chí là rất lớn, nhưng trong quá trình thực hiện không bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì hiệu quả không cao, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét.

Đề cập đến yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ sự cần thiết phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin cho những tổ chức, cá nhân trực tiếp liên quan, các phương tiện thông tin đại chúng. Từng cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, đồng thời có cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến của nhân dân, báo chí, tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân.

“Ba kỳ họp Quốc hội gần đây, Chính phủ đã tiếp nhận và trả lời 7.361 kiến nghị của cử tri; trả lời trực tiếp ý kiến chất vấn của 732 đại biểu Quốc hội và trả lời 379 chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản. Từ tháng 10/2016 đến nay, đã tiếp nhận 1.442 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và đã có 1.236 văn bản trả lời.

Thủ tướng Chính phủ, nhiều thành viên Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đã định kỳ tiếp, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, mở thêm các kênh tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân. Qua đối thoại không chỉ tiếp thu ý kiến một chiều mà còn làm doanh nghiệp, người dân hiểu và tự nguyện thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước”, Phó Thủ tướng cho biết.

Từ những phân tích, tham luận tại hội nghị cho rằng cải cách hành chính là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo đảm dân chủ cơ sở, Phó Thủ tướng nêu quan điểm coi số lượng, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (ít nhất là cấp độ 3) là một trong những chỉ số quan trọng trong thực hiện dân chủ cơ sở cũng như trong cải cách hành chính, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chỉ khi các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở cấp độ cao nhất thì mọi quy trình, thủ tục, thời gian, chi phí mới được công khai, minh bạch và hạn chế tiếp xúc trực tiếp, loại bỏ các điều kiện để nuôi dưỡng, phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, hạn chế quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, hiện số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 còn rất thấp (chưa tới 2%, cấp độ 3 chưa tới 10%).

Điểm cuối cùng được Phó Thủ tướng nêu lên trong thực hiện dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền là sự gương mẫu của các cấp chính quyền, cán bộ đảng viên từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố không chỉ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan (cấp độ 1) mà phải chỉ đạo để đảm bảo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, địa phương mình thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở (cấp độ 2); đề ra các giải pháp để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của Bộ, địa phương mình (cấp độ 3). Bộ ngành, địa phương nào chú ý cả 3 cấp độ thì dân chủ cơ sở (nói theo nghĩa cấp độ 1) ở đó được đảm bảo tốt hơn (nội bộ đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị…).

Bản thân các cán bộ, đảng viên cũng cần gương mẫu trong làm việc, sinh hoạt ở cơ quan, nơi cư trú, ngoài xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng.

Thực tế gần đây có không ít vụ việc gây bức xúc trong dư luận, gây tổn thất lớn về kinh tế và khó khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn cũng xuất phát từ nguyên nhân không thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, không thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, không thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các cán bộ, cơ quan vi phạm quy chế dân chủ nói riêng, vi phạm nguyên tắc Đảng, pháp luật nói chung. Việc xử lý không làm yếu Đảng, yếu bộ máy mà ngược lại giúp nâng cao tính chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, củng cố lòng tin của Nhân dân. Đồng thời cần xử lý nghiêm theo pháp luật các tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ để kích động, gây rối, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, tới lợi ích của đất nước.

“Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hay xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân” cũng như thực hiện tất cả các nhiệm vụ quan trọng khác cũng đều nhằm mục đích thiêng liêng của Đảng ta, của Bác Hồ là chăm lo cho lợi ích, cho hạnh phúc của Nhân dân và cũng đều cần gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Đình Nam/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất