Thứ Bảy, 11/1/2025
TPHCM: CCHC gắn với nâng cao chất lượng sự hài lòng của người dân

Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận huyện của TPHCM.

Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định triển khai Kế hoạch thực hiện công tác CCHC trên địa bàn Thành phố năm 2018. Theo đó, TPHCM tiếp tục thực hiện CCHC một cách đồng bộ trên các lĩnh vực: Thể chế và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hoá nền hành chính, với phương châm “thực hiện cải cách hành chính gắn với nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là trọng tâm của CCHC năm 2018 trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và căn cứ kế hoạch CCHC của Trung ương, Thành phố chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC năm 2018, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy trên địa bàn.

Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Thành phố tổ chức tổng kết công tác CCHC, kiểm soát TTHC nhằm đánh giá, chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, định hướng, tiến độ công tác CCHC, yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC.

Về đề xuất của Thành phố đối với Trung ương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương cần có quy chế rõ ràng trong phối hợp, các bộ ngành cần xây dựng khung tiêu chí và tiêu chuẩn về đơn vị sự nghiệp công, chương trình Chính phủ điện tử cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương và bộ ngành để áp dụng sao cho hiệu quả, đơn giản hoá và rút gọn quy trình TTHC quá trình  thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4…

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác CCHC được Thành phố rất quan tâm, được sự giám sát của nhân dân, được Đảng bộ TPHCM đề ra và coi đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của Thành phố.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc công khai TTHC có nơi còn hình thức, chưa có giải pháp hiệu quả, tinh giản biên chế còn bất cập, còn một phận cán bộ còn quan liêu, nhũng nhiễu, việc tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân của một số sở ngành còn nặng về hình thức…

“Nhiều việc tôi rất nóng lòng, còn lãnh đạo các sở thì cứ thoải mái, từ từ xử lý. Có hồ sơ dân gửi từ cuối 2016 giờ mới trình lên UBND Thành phố xử lý. Cần có giải pháp xử lý chứ không dân kêu lắm. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ trong quá trình giải quyết công việc cho nhân dân, sự nỗ lực của cả nền hành chính cuối cùng vẫn là sự hài lòng của người dân ra sao mà thôi”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả và thành tích trong công tác CCHC của TPHCM, là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này, với việc xác định đây là một trong 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm tập trung triển khai quyết liệt, toàn diện, hiệu quả.

Thành phố đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các sáng kiến để tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn với nhiều giải pháp như nâng cao giải quyết TTHC, thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, đo lường và đánh giá sự hài lòng của người dân, triển khai thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, chính quyền điện tử, thành phố “văn minh, nghĩa tình”…

Với các nỗ lực đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 40.870 doanh nghiệp, số vốn là 594.492 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2016).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Đó là, một số cơ quan, đơn vị chất lượng và hiệu quả CCHC còn thấp, người đứng đầu một vài đơn vị chưa quyết liệt, chậm triển khai, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác CCHC, kỷ luật và kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ chưa cao, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, giải quyết thủ tục chậm trễ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lý lịch tư pháp, thanh kiểm tra công vụ và xử lý cán bộ vi phạm chưa thường xuyên và hiệu quả thấp, xử lý phản ánh của công dân chưa triệt để dẫn đến bức xúc trong nhân dân, ứng dụng CNTT ở một số cơ quan chưa đồng bộ, thiếu kết nối, chưa tích hợp, chưa gắn kết với CCHC, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị chưa tốt…

Việc kết nối cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật CNTT là bảo đảm cho sự liên thông của hệ thống hành chính nhà nước chứ không chỉ của từng bộ, ngành, địa phương. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp, liên thông thật tốt giữa các ngành, các cấp trong việc sử dụng dữ liệu, phục vụ cho phát triển KT-XH đất nước

Chính quyền điện tử và trực tuyến công cấp độ 3, cấp độ 4 còn trở ngại do dân chưa quen, các sở ngành chưa đều, quận huyện ngoại thành làm nhiều hơn nội thành. Trong khi đó, người dân cho rằng “không đến không được, không chạy không xong” vì người dân nhập thông tin qua mạng mà chính quyền chậm xử lý.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo TPHCM cần quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là công bộc của dân”, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chú trọng cải cách TTHC ngay trong công tác xây dựng thể chế, đều đặn đối thoại giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; tổ chức các đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong công tác theo dõi thi hành pháp luật của Thành phố.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến thuế, xây dựng, hải quan, tài nguyên và môi trường, nhân rộng các điển hình, hạn chế quá hạn, không để nhũng nhiễu, tiêu cực, thực hiện tốt tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua bưu chính công.

“Cần giải quyết tốt các kiến nghị của người dân bởi khi người dân còn bức xúc thì chỉ số hài lòng của người dân không thể tăng lên được. Nhất là không để tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, chủ nghĩa tư bản thân hữu, trục lợi chính sách, tham nhũng vặt nảy sinh”, Phó Thủ tướng nói.

Thành phố cũng cần tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn chặt với việc có các biện pháp cụ thể về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tinh giản biên chế với cải cách bộ máy; đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xây dựng “thành phố thông minh” với “chính quyền điện tử” thân thiện, minh bạch, gắn kết chặt chẽ với CCHC; tăng cường chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 trên các lĩnh vực; tăng cường theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền, công khai, minh bạch để người dân được thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tạo đồng thuận của xã hội và người dân trong hưởng thụ các thành quả của cải cách.

Theo chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất