Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuyên truyền dự án luật phải thực chất, hiệu quả, tạo đồng thuận

 Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình dự Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. 
 

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, số lượng luật dự kiến ban hành đến năm 2020 quá nhiều (43 dự án luật), chưa nói những dự án luật đang dự kiến sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu cuộc sống.

Bên cạnh đó, cần tính đến mối liên hệ giữa các luật, các chính sách đan cài giữa các nơi, các luật với nhau khi sửa đổi một dự án luật. Từ thực tế trên, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sơ kết 5 năm thực thi Hiến pháp 2013, rà soát lại quá trình và hiệu quả thực thi các luật đã ban hành trong thời gian qua.

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ nay đến năm 2020, Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ lo lắng với số lượng 43 đạo luật dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian này. “Nên hạn chế số lượng ban hành luật, chỉ 15 luật một năm là được, mỗi bộ ngành tối đa mỗi năm chỉ làm 2 dự án luật thôi”, Bộ trưởng Lê Thành Long.

“Vừa qua, Bộ Tư pháp thẩm định 2 dự án luật và không nhất trí trình Chính phủ do chưa bảo đảm chất lượng”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá việc tổ chức Hội nghị chuyên đề này rất kịp thời, bài bản, kỹ càng nhằm khẳng định, đánh giá những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, tìm giải pháp cho thời gian tới. Đồng thời, thống nhất với việc bổ sung, điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thời gian tới.

Thực tế hiện nay được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, chúng ta thực hiện việc xây dựng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội với một quy trình dài, qua nhiều bước. Do đó, trong quá trình thực hiện nảy sinh các bất cập tại cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sau khi biên tập, chỉnh lý. Điều này cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ, sự tham gia ngay từ đầu của các cơ quan đối với các dự án luật để tạo sự thống nhất quan điểm, nhất là khi trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

“Các nội dung của dự án luật cần đi từ cuộc sống mà thiết kế các quy định chứ không phải xuất phát từ lợi ích riêng của cơ quan trình dự án luật”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đề cập đến công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng luật, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, ngay từ đầu phải lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động một cách kỹ càng, tránh hình thức, đi vào thực chất để dự án luật thực sự hiệu quả, người chịu sự tác động nói lên ý kiến của mình, tạo sự đồng thuận. Điều này có vai trò của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội… để người dân hiểu đúng nhất tinh thần cốt lõi của dự án luật, tránh sự hiểu nhầm như vừa qua đối với dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…

“Khi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người hỏi tôi về 2 dự án Luật về đặc khu và Luật An ninh mạng một cách sai lệch rằng, Luật An ninh mạng ra đời là cấm người dân không được dùng mạng xã hội hay việc ban hành Luật về đặc khu là bán đất, ‘nhượng quyền’ cho nước khác sao? Khi được giải thích cặn kẽ thì người dân mới vỡ lẽ, rằng hiểu nghe thông tin như thế là không đúng. Nói như vậy để thấy rằng, công tác tuyên truyền các dự án luật của chúng ta đến người dân phải thực chất hơn, cần có cách làm hiệu quả hơn để người dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Thời gian để thực hiện các dự án luật còn rất ngắn, khối lượng công việc nhiều nhưng đòi hỏi việc ban hành các dự án luật vẫn phải bảo đảm tính khả thi, chất lượng, tiến độ. Điều này cho thấy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng pháp luật để đạt được các yêu cầu trên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi chúng ta tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì bảo đảm được chất lượng, số lượng, yêu cầu của các dự án luật đã đặt ra.

Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2019 là cần thiết, nhưng phải có tổng kết, đánh giá cặn kẽ, cụ thể tránh việc thấy vướng thì sửa, sửa xong vẫn thấy vướng do chưa đánh giá, tổng kết một cách đầy đủ, chặt chẽ.

“Tôi nghĩ, làm ít luật mà tốt còn hơn làm nhiều mà không bảo đảm chất lượng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ.

Lê Sơn/chinhphu.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất