Ban Dân vận Trung ương và Ban Cán sự Đảng Chính phủ chọn chủ đề công tác năm 2018 là Năm Dân vận chính quyền. Để thực hiện Năm Dân vận chính quyền, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
|
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến (bìa trái) lắng nghe ý kiến người dân
trong buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh ở TP.Biên Hòa vào tháng 6-2018 |
* Nhiều mô hình mới
Theo Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đến nay Đồng Nai có nhiều mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp như: phi địa giới hành chính trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính, dịch vụ công lĩnh vực đất đai; ứng dụng tích hợp thông báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua tin nhắn SMS vào phần mềm một cửa; phối hợp, khai thác tiện ích Zalo tự động gửi đến người dân và tổ chức, cá nhân khi thủ tục hành chính đã được giải quyết xong. Đồng thời, triển khai tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích... Mới đây, tỉnh còn triển khai Tổng đài dịch vụ công 1022 để tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp về mức độ hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đặt vấn đề, năm 2018 là Năm Dân vận chính quyền, chính quyền các cấp xem lại, làm công tác dân vận như hiện nay đã thực chất chưa. Chính quyền các cấp đừng hiểu các đơn vị xin bao nhiêu kinh phí thì cấp, rồi gọi đó là làm dân vận. Để thực sự làm tốt công tác dân vận chính quyền, cán bộ, công chức bớt quan cách, phải gần dân hơn.
|
“Nếu người dân có vấn đề chưa hài lòng, bị gây khó dễ thì gọi về Tổng đài dịch vụ công 1022, tỉnh sẽ xem xét xử lý cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Mọi ý kiến, thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp được tổng đài giữ bí mật” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chia sẻ.
Lãnh đạo UBND tỉnh và các địa phương cũng dành nhiều thời gian tiếp dân theo quy định, đối thoại trực tiếp với dân, tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp trong nội bộ nhân dân. Các cơ quan, đơn vị còn công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, lập hòm thư để tiếp nhận ý kiến người dân, qua đó kịp thời giải quyết những bức xúc, không để phát sinh điểm nóng, kích động trong nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 2.750 công dân đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, kiến nghị (giảm 99 lượt so với cùng kỳ năm trước). Nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách... Các cơ quan nhà nước đã giải quyết 223/397 đơn.
Các cơ quan nhà nước còn tích cực xây dựng mô hình dân vận khéo, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
* Còn thói quen mệnh lệnh
Đồng Nai quyết tâm rất lớn trong thực hiện cải cách hành chính nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để người dân và doanh nghiệp được giải quyết thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả. Song, thực tế có lúc, có nơi, kết quả chưa như mong đợi, người dân vẫn bị gây khó dễ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thị Quỳ (85 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết năm 2017 chồng của bà là ông Nguyễn Văn Lành, cán bộ hưu trí, qua đời. Gia đình bà đã đến UBND phường làm thủ tục báo tử đồng thời được giới thiệu đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội làm thủ tục chế độ mai táng phí đối với người có công khi từ trần. Tuy nhiên, hơn 1 năm sau khi chồng mất, tiền lương hưu trí của ông Lành vẫn được chuyển đều đặn vào tài khoản.
Gia đình của bà Quỳ sau đó phát hiện ra nhầm lẫn này đã báo với chính quyền địa phương, nhưng nhân viên phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội của phường không những không tích cực phối hợp với gia đình để điều chỉnh sự việc mà còn có những lời lẽ khó nghe “nặng nhẹ” với gia đình bà, đồng thời yêu cầu gia đình tự đến Bảo hiểm xã hội thành phố để giải quyết vụ việc. Trong buổi làm việc giữa gia đình bà Quỳ với UBND phường, người nhân viên này vẫn khăng khăng không nhận sai sót và cho rằng lỗi là ở gia đình bà đã không đến Bảo hiểm xã hội thành phố làm thủ tục. “Chúng tôi là dân thường, có thể không rành lắm về thủ tục hành chính nhưng nếu vậy thì ngay từ lúc đầu nhân viên phụ trách mảng này cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đằng này khi xảy ra sự cố thì đổ hết lỗi cho dân. Vả lại, tôi có nghe nói về quy định chế độ một cửa, một cửa liên thông của Thủ tướng, theo đó thì chúng tôi chỉ đến phường làm thủ tục là xong, đâu phải chạy vạy hết cơ quan này đến đơn vị khác?” - bà Quỳ nhận xét.
Không ít người dân còn băn khoăn bởi hiện nay nhiều cán bộ, công chức khi tiếp xúc với dân đã lạm dụng vai trò thực thi của chính quyền, chưa thực sự nhận thức đúng về nền hành chính “phục vụ”. Trong giao tiếp với dân vẫn mang tính chất “mệnh lệnh”, chưa chuyển thành câu “đề nghị”; giọng nói không thiện cảm, từ ngữ mang tính trịch thượng. Cán bộ, công chức ít giải thích cặn kẽ cho dân hiểu, thay vào đó là thói quen mệnh lệnh, sẵn sàng đưa ra các lý do từ chối phục vụ nhân dân.../.
Nguồn: baodongnai.com.vn, ngày 30/7/2018