Thứ Ba, 26/11/2024
Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam

Từ những năm 2000, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi CNH, HÐH.

Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm "Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp (DN), người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…". Nghị quyết đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 "triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử (CPÐT) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực". Cụ thể hóa chủ trương của Ðảng, năm 2015, Chính phủ đã có Nghị quyết đầu tiên tập trung về CPÐT nhằm "Ðẩy mạnh phát triển CPÐT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về CPÐT theo xếp hạng của Liên hợp quốc (LHQ). Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng".

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng CPÐT. Hành lang pháp lý trong ứng dụng CNTT, xây dựng CPÐT đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) mang tính chất nền tảng thông tin như CSDL quốc gia về đăng ký DN, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho DN và người dân như: đăng ký DN, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, BHXH… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Chất lượng nhân lực về CNTT của Việt Nam cũng đã được quan tâm.

Tuy nhiên, tổng quan có thể thấy, việc triển khai CPÐT chưa đạt được như mong muốn của lãnh đạo Ðảng, lãnh đạo Chính phủ. Vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số phát triển CPÐT của LHQ vẫn ở mức trung bình, theo báo cáo mới nhất của LHQ, 2 năm qua, chúng ta tăng 1 bậc, đang xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng khiêm tốn ở vị trí thứ 6. Kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về CPÐT còn rất chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc xây dựng triển khai các CSDL quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển CPÐT rất chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chạy theo số lượng trong khi tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT gây khó khăn cho các DN trong triển khai các dự án. Ðiều này dẫn đến tình trạng nhiều lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương còn chưa có đầy đủ thông tin dữ liệu số của các đối tượng mình quản lý.

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là do nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, DN; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức. Ðặc biệt chúng ta còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPÐT, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán. Cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng CPÐT chưa đủ mạnh cũng là nguyên nhân của việc thực hiện còn thiếu hiệu quả và mang nặng tính hình thức. Chúng ta cũng chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng CPÐT và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án CNTT.

Ðể tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, khắc phục những hạn chế tồn tại, từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, DN nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện nền tảng cho phát triển CPÐT hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và nâng cao năng lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy Chính phủ. Ðồng thời cần bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng và tiếp tục nâng vị trí của Việt Nam về CPÐT theo xếp hạng của LHQ cũng như đóng góp vào việc gia tăng các chỉ số cạnh tranh và chỉ số phát triển của quốc gia.

Nhìn vào thành quả của các nước trên thế giới, có thể nói, triển khai CPÐT là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Ðể có bước đột phá mạnh mẽ, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới và xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất. Với tinh thần như vậy, hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPÐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ðây sẽ là định hướng cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng CPÐT hướng tới nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Chính phủ tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên sau đây:

1. Ðẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển CPÐT

Theo kinh nghiệm các quốc gia phát triển về CPÐT, nền tảng thể chế CPÐT phải đi trước, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều quy định và chính sách. Do vậy từ nay đến năm 2019 cần ban hành các Nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Khẩn trương ban hành được Nghị định về đầu tư ứng dụng CNTT phù hợp đặc thù của lĩnh vực này, thay thế Nghị định số 102/2009/NÐ-CP về đầu tư ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Quyết định số 80/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ CNTT. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật CPÐT và các văn bản hướng dẫn bảo đảm hành lang pháp lý phát triển CPÐT dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

2. Hoàn thành các CSDL quốc gia mang tính chất nền tảng

Song song với việc xây dựng các thể chế, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các CSDL nền tảng quốc gia, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, đất đai... Và để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các CSDL quốc gia này cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở T.Ư và địa phương; Hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; Cổng thanh toán quốc gia… để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp Chính phủ.

3. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và DN, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Cổng dịch vụ công quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và DN.

Ðể phục vụ việc quản lý, điều hành của Chính phủ, thời gian tới, các Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; Hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang được tập trung nghiên cứu, thiết lập.

4. Rà soát, sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người

Trong những năm qua, Chính phủ đã có những đầu tư nhất định trong việc triển khai ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán chưa tạo ra được thay đổi mang tính nền tảng nhằm xây dựng CPÐT. Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển CPÐT, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho CNTT, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này. Ðồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho người dân, DN và nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút nhân tài tham gia xây dựng, phát triển CPÐT.

Chúng ta cũng cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về CPÐT, kinh tế số, hạ tầng số thông qua việc triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức thay đổi thói quen hành vi, tạo sự đồng thuận của các bên về phát triển CPÐT.

5. Phát huy vai trò người đứng đầu, nâng cao hiệu quả thực thi và trách nhiệm giải trình

Thể hiện quyết tâm xây dựng CPÐT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc thành lập Ủy ban quốc gia về CPÐT trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban. Ủy ban có các thành viên là Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp các nhiệm vụ trong xây dựng CPÐT để gắn kết xuyên suốt các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Ðồng thời Ủy ban có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân giúp phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Các nhiệm vụ triển khai CPÐT sẽ được đánh giá gắn liền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từng Bộ, ngành, địa phương và được đo lường qua bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, đo lường chất lượng kết quả xây dựng CPÐT để bảo đảm tính chính xác và công bằng thông qua Tổ công tác giúp việc của Ủy ban.

Xây dựng CPÐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Ðể hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi CNTT nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

MAI TIẾN DŨNG 

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất