Thứ Bảy, 11/1/2025
Gần dân, giải quyết vấn đề bức thiết của dân
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến trao đổi, lắng nghe ý kiến của các đảng viên
 trong buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Lê Độ, xã Quế Tân (Quế Võ) tháng 8-2017 


Hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề từ cơ sở, chăm lo đời sống tốt hơn cho nhân dân. Nổi bật trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là “Bí thư cấp ủy gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang”. Đó là cụ thể hóa Quy định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, thực hiện “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Đặc biệt từ tháng 6-2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Quy định số 01-QĐ/T.U về chủ trương các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt ở Chi bộ cơ sở. Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại và dự sinh hoạt Chi bộ, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập ở cơ sở được cấp ủy cấp trên lắng nghe, kịp thời gợi mở, tháo gỡ những “nút thắt”. Đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

SÁP NHẬP SAU 26 NĂM

Đã nhiều lần đi dự sinh hoạt Chi bộ cơ sở, nhưng đồng chí Nguyễn Đăng Túc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ấn tượng về 2 lần dự sinh hoạt Chi bộ ở Phú Lâu 2 và Phú Lâu (sau khi sáp nhập) thuộc xã Phú Lương (Lương Tài). Lần thứ nhất vào tháng 10-2017, đồng chí dự sinh hoạt Chi bộ Phú Lâu 2. Nghe những ý kiến phản ánh của các đảng viên về những bất cập trong sinh hoạt cộng đồng giữa 2 thôn. Năm 1992, thôn Phú Lâu chia tách thành 2 thôn: Phú Lâu 1 và Phú Lâu 2, mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng diễn ra khó khăn và phức tạp. Đình, chùa, nhà văn hóa chung. Nếu thôn Phú Lâu 1 tổ chức lễ hội, họp dân hay tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân thì thôn Phú Lâu 2 phải “ngồi đợi” và ngược lại. Thực tế đó, đã diễn ra suốt 25 năm qua. Sau khi hỏi kỹ vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đăng Túc đề xuất, gợi mở ý tưởng hợp nhất hai thôn Phú Lâu 1 và Phú Lâu 2 theo hướng: “Chủ trương trọng tâm của tỉnh là tiến hành sắp xếp tinh giản bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở. Đây là khâu then chốt nhằm nâng cao bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, để hợp nhất 2 thôn Phú Lâu 1 và Phú Lâu 2, địa phương trước hết phải hợp nhất 2 Chi bộ thành 1. Cán bộ, đảng viên phải có chủ trương đi trước, làm gương, tạo sự thống nhất, đoàn kết nội bộ. Có như vậy, người dân mới thấy rõ, làm theo”.

Từ những định hướng chỉ đạo sát thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Đảng ủy xã Phú Lương đã hợp nhất Chi bộ Phú Lâu 1 và Chi bộ Phú Lâu 2 thành Chi bộ Phú Lâu vào tháng 4-2018. Ngày 3-5-2018, dự sinh hoạt Chi bộ Phú Lâu sau 26 năm chia tách, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Đăng Túc chúc mừng và đề nghị Đảng bộ xã tiếp tục chỉ đạo Chi bộ Phú Lâu hợp nhất các tổ chức đoàn thể và lập đề án sáp nhập BQL 2 thôn làm 1 theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng chí Phạm Đình Vương, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lâu cho biết: “Từ khi sáp nhập Chi bộ và các đoàn thể, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi. Đây là bước ngoặt mới, tạo sự chuyển biến tích cực để người dân nơi đây đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế-xã hội”.

SÁT DÂN, GIẢI QUYẾT BỨC XÚC CHO DÂN

Đưa chúng tôi về thăm xã Bằng An, đồng chí Nguyễn Đình Lợi, Bí thư Huyện ủy Quế Võ nói rằng: “Chính quyền của dân, do dân, vì dân, trọng dân thì phải giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân”. Nhìn những con đường bê tông trải dài thênh thang, những công trình trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn được dựng xây thấy nơi đây như có “luồng gió mới”.

Trong lần dự sinh hoạt Chi bộ thôn Chùa vào tháng 5-2017 và Chi bộ thôn Yên Lâm tháng 11-2017, Bí thư Huyện ủy Quế Võ Nguyễn Đình Lợi được nghe nhiều ý kiến phản ánh về bức xúc của cán bộ, đảng viên và người dân. Mỗi khi họp dân, người dân 2 thôn Chùa và Yên Lâm (Bằng An) đều phải họp nhờ hội trường UBND xã hoặc đình, chùa làng vì không có nhà văn hóa. Đồng chí Nguyễn Đình Lợi cho biết: “Trước những kiến nghị chính đáng của người dân 2 thôn Chùa và Yên Lâm, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy của huyện, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, lập quy hoạch, đầu tư xây dựng 2 nhà văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sinh hoạt cộng đồng”. Đến nay, dự án nhà văn hóa ở 2 thôn Chùa và Yên Lâm được đầu tư xây dựng hơn 5 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành đúng tiến độ.

Bằng An là mảnh đất thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn. Trụ sở UBND xã thuộc diện xuống cấp nhất huyện. Phòng làm việc chật hẹp, nhiều bộ phận phải ngồi ghép, ảnh hưởng rất lớn tới giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân. Cũng tại các cuộc tiếp xúc cử tri hay sinh hoạt Chi bộ cơ sở, nhiều cán bộ, đảng viên nêu rõ quan điểm, nỗi niềm. Ông Nguyễn Văn Thạch, 55 tuổi Đảng, thôn Yên Lâm bày tỏ: “Làm “công bộc” phải thấu hiểu lòng dân muốn gì. Xã có khang trang thì làng mới sạch đẹp. Tôi đi khắp nơi, chẳng thấy nơi nào trụ sở UBND xã lại chật hẹp, xuống cấp trầm trọng như ở Bằng An”. Nghe những lời phản ánh thẳng thắn của ông Thạch, Bí thư Huyện ủy Quế Võ không khỏi trăn trở và nghĩ mình phải có trách nhiệm với người dân nhiều hơn nữa. Sau những lần tiếp xúc, gần dân, kết quả là 2 công trình 18 phòng học của Trường Tiểu học và trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng cấp bách với tổng nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng.  Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng An phấn khởi: “Nút thắt được gỡ dần sau mỗi lần Bí thư Huyện ủy về tiếp xúc, đối thoại. Định kiến của người dân đối với đội ngũ cán bộ làm công vụ cũng được xóa bỏ. Nhìn các công trình đang từng ngày vươn cao, đổi mới, người dân có thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Sự đồng thuận từ nhân dân tác động tích cực trở lại trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương”.

VÌ LỢI ÍCH CỘNG ĐỒNG

Được coi là “Thủ phủ” của Tập đoàn Sam Sung, xung quanh khu công nghiệp Yên Phong (Yên Phong) hiện có khoảng hơn 30.000 công nhân, người lao động thuê trọ. Nhiều doanh nghiệp, họ chỉ tập trung vào xây dựng nhà xưởng và ít quan tâm đến các công trình nhà ở, dịch vụ phúc lợi cho công nhân, người lao động. Vì thế, khi Chính phủ có chủ trương xây dựng khu thiết chế của Công đoàn tại Khu công nghiệp Yên Phong đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của công nhân, người lao động.

Đồng chí Đặng Trần Trung, Bí thư Huyện ủy Yên Phong cho biết: “Việc gì có lợi cho dân thì phải quan tâm, làm cho bằng được. Tháng 5-2018, khi có quyết định cấp trên thông báo về dự án, chúng tôi đã thành lập Hội đồng GPMB, niêm yết công khai diện tích, giá trị bồi thường đất đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xuống họp bàn cùng với các Chi bộ cơ sở để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của dự án cho người dân nắm rõ thực hiện”. Dự án có diện tích 4,24 ha, tập trung ở 2 xã Thụy Hòa và Yên Trung(Yên Phong) với tổng mức đầu tư 310 tỷ đồng, trong thời gian từ 2018-2020. Quy mô đầu tư gồm 17 khối nhà ở cho công nhân 5 tầng, đáp ứng cho 3.480 người; nhà văn hóa đa năng, quảng trường trung tâm, siêu thị, văn phòng tư vấn pháp luật, nhà trẻ, nhà thuốc, phòng khám bệnh; hệ thống vườn hoa, cây xanh, sân thể thao… Bí thư Huyện ủy Yên Phong chia sẻ: “Lúc đầu, không ít người dân còn băn khoăn, không chấp nhận phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Với vai trò người đứng đầu cấp ủy huyện Yên Phong, khi sinh hoạt Chi bộ cơ sở hay tiếp xúc, đối thoại với người dân, tôi đã giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân theo đúng thẩm quyền, đồng thời đề nghị cán bộ, đảng viên trong 2 Chi bộ Ấp Đồn (Yên Trung) và Lạc Nhuế (Thụy Hòa) phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong”.

Đồng chí Nguyễn Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hòa cho biết: “Khi tuyên truyền, vận động, chúng tôi phân tích cặn kẽ về những lợi ích mà người dân, công nhân được thụ hưởng. Dự án xây dựng khu thiết chế của Công đoàn không chỉ có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là cơ hội để người dân phát triển dịch vụ, thương mại”. Từ chủ trương đúng đắn, đến cách tiếp cận, bám sát gần dân theo phương châm “gõ cửa từng nhà” của người đứng đầu cấp ủy Yên Phong cùng các tổ chức, đoàn thể, ban ngành của huyện và cán bộ, đảng viên ở 2 Đảng bộ xã Yên Trung và Thụy Hòa, nên chỉ sau hơn 1 tháng làm công tác dân vận khéo, 100% số hộ dân có diện tích thu hồi đến nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sạch cho Ban quản lý dự án (không có đơn thư khiếu nại, tố cáo). Chị Hoàng Thị Hoài Phương, công nhân Công ty Sam Sung Việt Nam vui mừng: “Mấy năm nay, do thuê trọ tự do, không có nhà trẻ, vợ chồng tôi đành phải gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Từ khi biết thông tin có dự án thiết chế Công đoàn, những người lao động xa quê như chúng tôi thấy phấn khởi và yên tâm gắn bó hơn với công việc của mình”. Việc xây dựng thiết chế đời sống cho công nhân lao động, nhất là đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, giúp công nhân yên tâm làm việc lâu dài tại khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

3 câu chuyện nêu ra những vấn đề bức thiết ở cơ sở cho thấy, khi các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về dự sinh hoạt định kỳ hằng tháng với Chi bộ cơ sở là việc làm cần thiết. Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó, tin tưởng rằng với việc thực hiện chủ trương của tỉnh, chất lượng sinh hoạt Chi bộ cơ sở sẽ được nâng lên; những vấn đề bất cập nảy sinh từ thực tiễn sẽ sớm được giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.

Khắc Tuấn-Đỗ Xuân-Văn Phong-Xuân Me/ baobacninh.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất