Thứ Bảy, 20/4/2024
Cà Mau: Cơ quan dân cử bám sát hơi thở đời sống

Về sau này, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện thường xuyên nhấn mạnh: “Phải quan tâm, theo dõi sát sao tình hình đời sống nhân dân, xã hội, phải nắm được và dự báo được diễn biến của những vấn đề nổi cộm. Tuyệt đối không để trở thành điểm nóng”.

Xuyên suốt nhiệm kỳ mới, HĐND tỉnh Cà Mau đã quán triệt và quyết tâm đổi mới lề lối làm việc. Đây có thể coi là bước đột phá to lớn trong việc thể hiện vai trò, chức năng của cơ quan dân cử trong đời sống xã hội. Đại biểu HĐND, tức là đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi và tiếng nói của người dân. Công việc của đại biểu đòi hỏi mỗi người phải sâu sát hơn, gần gũi hơn, biết lắng nghe và chia sẻ những vấn đề cử tri đặt ra, kể cả đó là những trao đổi có tính chất phản biện. Dễ dàng nhận thấy rằng, từng kỳ họp của HĐND tỉnh, từng cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát đều được người dân hết sức chú ý, theo dõi và hy vọng. HĐND cũng đã mạnh dạn đặt cử tri vào trung tâm của mọi quá trình hoạt động, từ đó mọi công việc đều trở nên thiết thực, đi vào chiều sâu.

Thời gian qua, đời sống xã hội của người dân Cà Mau không phải là không có những vấn đề nổi cộm, thậm chí có nguy cơ thành điểm nóng xã hội. Đơn cử như vụ việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân thuộc lâm phần các ấp ở xã Khánh Thuận; việc quản lý và phát huy giá trị các khu di tích trên địa bàn tỉnh; việc rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên; vấn đề rác thải; việc định hình và phát triển du lịch Cà Mau… Vai trò của HĐND ở đây là gì? Theo ý kiến của ông Nguyễn Sơn Ca, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh là: “Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là chỗ dựa của người dân để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân. Giải toả những bức xúc, ức chế của người dân, từ đó cùng các bên bàn bạc, thảo luận phương án giải quyết”.

Theo chân đoàn công tác của Ban Văn hoá - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh khảo sát việc sắp xếp trường lớp và giáo viên, mới thấy công việc của cơ quan dân cử ngoài những thứ đã quy định hẳn hoi bằng giấy trắng, mực đen còn cần phải có sự tâm huyết, chia sẻ và đồng cảm. Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban VH-XH, tâm sự: “Nghề nào cũng vậy, không chỉ riêng giáo viên đâu, nếu bị mất công việc thì ai không buồn. Vả lại phía sau còn là cuộc sống, con cái, tương lai của người ta”. Khi khảo sát tại xã Thanh Tùng (huyện Đầm Dơi), toàn xã có 2 trường tiểu học, 7 điểm lẻ thì tính toán gom 2 điểm lẻ lại trong năm học mới. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng Trần Mỹ Hạnh trăn trở: “Việc gom điểm lẻ là chủ trương đúng, song, ở Thanh Tùng gặp khó khăn. Một số điểm phục vụ cho con em vùng đồng bào dân tộc; một số điểm do điều kiện đi lại rất khó khăn. Hơn nữa, số giáo viên giải quyết luân chuyển, cắt giảm đều có nhiều năm công tác, có cống hiến nhất định cho địa phương”.

Khi khảo sát thực tế, Ban VH-XH đã tỉ mỉ tính toán diện tích, đánh giá tổng thể tình hình cơ sở vật chất, điều kiện giao thông, lượng học sinh và số giáo viên bị ảnh hưởng. Trên tinh thần cởi mở, cầu thị và hết sức sẻ chia, đoàn giám sát đã chỉ rõ chủ trương của UBND tỉnh, trong đó lưu ý địa phương phải hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chủ trương này khi vận dụng. Riêng Trường Tiểu học Thanh Tùng có 2 điểm lẻ gom về, số giáo viên phải thuyên chuyển là 5 người, đều có thành tích và thâm niên trong công tác, bà Khuê cho rằng: “Phải làm tốt công tác tư tưởng, không vì vấn đề này mà để giáo viên bị tác động. Địa phương và ngành giáo dục tạo điều kiện tối đa để các giáo viên trong trường hợp này không bị thiệt thòi, mặc cảm”.

Hay những chuyến khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do ông Trần Chánh Quang, Trưởng ban chủ trì, về những vùng đồng bào còn khó khăn. Công việc đầu tiên của ông là hỏi các em nhỏ còn học hành hay không, coi bữa ăn, hũ gạo của bà con như thế nào, cách sinh hoạt có tiến bộ không. Ông thường chia sẻ: “Chỉ nhìn vô cách ăn ở là biết nhà đó nghèo hay giàu. Cái khó nhất của vùng đồng bào dân tộc là nhận thức. Nếu thay đổi được nhận thức, tức là đã có chìa khoá để phát triển đời sống đồng bào. Hơn ai hết, ông tin tưởng vào nội lực, vào khả năng của đồng bào dân tộc. Ông chỉ ra minh chứng: “Như bên xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình,  có xóm đại học, có xóm triệu phú. Một số vùng đồng bào khác cũng đang trên đà phát triển từng ngày”. Những điều ấy khiến bà con đồng bào thêm vững tin, thêm tự trọng trong việc dựng xây cuộc sống của bản thân mình.

Trở lại với ý kiến, HĐND chỉ là nơi nắm bắt, đề đạt những yêu cầu, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân, đây là điều hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. HĐND, đại biểu của dân còn phải cùng trăn trở, cùng san sẻ với người dân, bàn bạc và đề xuất những giải pháp tháo gỡ, phải là chỗ dựa của dân trong mọi hoàn cảnh. Cử tri kỳ vọng vào một HĐND hành động, nhiệt huyết và luôn sâu sát với từng hơi thở của đời sống xã hội./.

Quốc Rin/Báo Cà Mau điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất