Thứ Bảy, 11/1/2025
Nghệ An: Đảm bảo an ninh trật tự nhờ 'Dân vận khéo'
Trong thời gian qua, mô hình đoàn kết lương giáo được nhân rộng ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh

Nhiều mô hình sáng tạo

Ngày 22/2/2017, Giám đốc Công an tỉnh và Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy ký ban hành Chương trình phối hợp số 13 về phối hợp thực hiện công tác dân vận để triển khai, thực hiện giai đoạn 2017 - 2021 ở Nghệ An; trong đó đề ra 4 mục tiêu, yêu cầu, xác định 8 nội dung phối hợp thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh; trách nhiệm của các phòng, ban có liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận. Trên cơ sở nội dung của Chương trình phối hợp, 21/21 Đảng ủy Công an các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình phối hợp với Ban Dân vận và tổ chức ký kết triển khai, thực hiện.

Theo đó, trong 2 năm qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công và căn cứ vào tình hình thực tiễn ANTT ở các địa phương, Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chỉ thị, quyết định, tổng kết chuyên đề, công văn, điện chỉ đạo về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và công tác dân vận. Nhiệm vụ đặt ra là chủ động phối hợp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hướng tới mục tiêu đưa Công an Nghệ An vững bước tiến lên “chính quy hơn, tận tụy hơn, lễ phép hơn, quyết liệt hơn, uy tín hơn”.

Trong đó, Đảng ủy Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 38 về công tác dân vận gắn với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dân vận, Công an tỉnh đã tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận gắn với phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn đặc thù, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT, nhất là vùng đồng bào theo đạo Công giáo đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng đảm bảo ANTT. Trong đó đã hướng xây dựng, nhân rộng, phát triển phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải ở khu dân cư.

Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-UBND, ngày 9/6/2006 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động tự quản về ANTT, cấp uỷ, chính quyền cấp xã đã thành lập, duy trì hoạt động của 480 ban chỉ đạo tự quản, 7.588 ban tự quản và 38.578 tổ tự quản về ANTT. Bên cạnh đó, đã vận động nhân dân xây dựng 51 loại mô hình, điển hình tiên tiến về đảm bảo ANTT, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng... được nhân rộng ra 928 địa bàn dân cư... Qua đó, đã phát huy tính tự giác, vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong đảm bảo ANTT địa phương, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đặc biệt, với các mô hình “Cựu chiến binh với công tác đảm bảo ANTT” và “Tổ tuần tra nhân dân của ban tự quản về ANTT” tại các xã An Hoà, Quỳnh Ngọc, Sơn Hải (Quỳnh Lưu); Diễn Mỹ, Diễn Đoài (Diễn Châu); Khánh Thành (Yên Thành) đã trở thành điểm sáng trong việc phát động xây dựng lực lượng “4 tại chỗ”, được quần chúng nhân dân ghi nhận, ủng hộ, được Bộ Công an thông báo toàn quốc.

Nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong phòng, chống tội phạm

Thông qua Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận, lực lượng Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về ANTT, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, không để hình thành, kéo dài các “điểm nóng”.

Trên thực tiễn, trong nhiều năm qua, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng với nhiều hình thức phong phú và đa dạng; đặc biệt đã triển khai nhân rộng các mô hình tự quản trong nhân dân theo hướng xã hội hóa, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải.

Trong  2 năm, ngành dân vận các cấp đã xây dựng được 187 mô hình trên lĩnh vực an ninh. Công an tỉnh đã có 29 phòng, ban, 21/21 Công an các huyện, thành thị đăng ký và xây dựng thực hiện mô hình, điển hình dân vận khéo ở cơ sở; một số mô hình trở thành điểm sáng như: Mô hình “Tiếp dân niềm nở, hướng dẫn tận tình, ứng xử văn minh” (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Vinh), mô hình “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội), mô hình “Nâng cao trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức và công dân” (Phòng Thanh tra Công an tỉnh), mô hình “Công tác dân vận khéo góp phần đảm bảo ANTT” xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), trong đó có mô hình của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh được Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An lựa chọn làm điểm sáng “Dân vận chính quyền” năm 2018.

Với phương châm “Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, thời gian qua, Công an Nghệ An đã đẩy mạnh phong trào Dân vận khéo ở vùng đặc thù, trong đó tập trung đi cơ sở, xuống địa bàn phức tạp về ANTT để phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, cử hàng trăm lượt CBCS trực tiếp xuống bám địa bàn phức tạp, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với dân để tuyên truyền, tổ chức triển khai các nội dung và biện pháp vận động nhằm củng cố hệ thống chính trị, củng cố đội ngũ cốt cán, tranh thủ và xây dựng phong trào lương giáo đoàn kết. Từ đó thực hiện công tác dân vận khéo nhằm kìm giữ, không để hình thành “điểm nóng”, phức tạp ở cơ sở.

Đối với địa bàn các huyện miền núi có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số, Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên huy động CBCS hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường tranh thủ, vận động được 160 hộ, 670 khẩu người Mông từ bỏ ý định di cư sang Lào, đảm bảo ANTT ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt, vào dịp ngày 15/10, lực lượng Công an các cấp đều tổ chức học tập, liên hệ việc thực hiện công tác dân vận được nêu trong bài báo “Dân vận” của Bác Hồ tại các chi bộ, tôn vinh, khen thưởng các điển hình làm tốt công tác dân vận.

Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Giám đốc Công an tỉnh với trưởng Công an xã, thị trấn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất tặng chế độ chính sách, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ ngày một tốt hơn yêu cầu công tác dân vận và công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. 2 năm qua, đã phối hợp đào tạo 1 lớp trung cấp Công an xã với 150 học viên là trưởng Công an xã; tổ chức 9 lớp bồi dưỡng chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho 992 lượt cán bộ chủ chốt các xã vùng giáo, miền núi, dân tộc; 135 lớp với 20.226 lượt Công an xã và 12 lớp, 1.143 lượt bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Thông qua Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận, lực lượng Công an đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp các ban, ngành, đoàn thể liên quan giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về ANTT; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong mô hình “Dân vận khéo” để lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

.

Mai Hậu/ congannghean.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất