Thứ Hai, 25/11/2024
Quan tâm, tỏ rõ trách nhiệm với kiến nghị của cử tri

Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Các cơ quan liên quan đã tích cực, chủ động chuẩn bị và gửi đến QH báo cáo tổng hợp của Chính phủ cùng với 15 báo cáo của các bộ, ngành, báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo tổng hợp các nội dung thẩm tra và chín báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Các vấn đề, lĩnh vực đã được giám sát chuyên đề, chất vấn tại các kỳ họp, đều là những nội dung quan trọng được nhân dân và cử tri quan tâm. Các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ và các trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những nội dung QH nêu ra trong sáu nghị quyết đều gắn với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Bên cạnh đó, một số nội dung còn chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả cho nên cử tri và nhân dân vẫn tiếp tục kiến nghị. Nhiều nội dung đã được QH, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận xem xét, tuy nhiên cần thiết phải có sự đánh giá một cách tổng thể để làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát.

Sáng qua, các đại biểu QH đã nghe các Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của QH. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV. Theo đó, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đề cao vai trò của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, tạo sự thống nhất, thông suốt, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn thừa nhận, chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả; công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn bất cập nhưng chậm được khắc phục. Những tồn tại, hạn chế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa thật sự tinh gọn, thể chế về công tác cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chính quyền địa phương một số nơi chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội còn hạn chế.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV. Về nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, Báo cáo cho biết, với việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đề ra đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục về cơ bản việc để các vụ án quá luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1,09%, thấp hơn năm trước, đáp ứng được yêu cầu QH đề ra. Ðặc biệt công tác xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan cho người không có tội. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Công tác xét xử các vụ việc dân sự và các vụ án hành chính cơ bản đúng pháp luật, đúng thời hạn, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV. Theo đó, ngành kiểm sát cũng thực hiện vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu trong các nghị quyết của QH, các chỉ tiêu đạt được năm sau tốt hơn năm trước; trách nhiệm công tố có chuyển biến rõ nét; đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những vụ, việc oan, sai giảm dần theo các năm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế; vai trò của hoạt động kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH về việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư, QH khóa XIV. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, QH khóa XIV.

Quyết tâm phòng, chống tham nhũng và trấn áp tội phạm

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn của hai đại biểu QH về những giải pháp đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, như: doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình và chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trong nhân dân, đặc biệt là tiếp tục hoàn hiện hệ thống pháp luật liên quan công tác này. Trong đó có việc QH sẽ thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, làm cơ sở để các cơ quan chức năng triển khai công việc có hiệu quả cao hơn. Ðối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục chấn chỉnh những hạn chế, thiết sót thời gian qua, đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo của công dân ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tiếp và giải quyết khiếu nại của công dân.

Một số đại biểu QH chất vấn về thực trạng tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra các vụ án, bị can trong thời gian qua có xu hướng tăng. Về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, từ ngày 1-10-2017 đến 30-9-2018, số lượng tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra đều tăng so với cùng kỳ, trong đó tạm đình chỉ bị can tăng gần 14%. Nguyên nhân chính là do thực hiện các quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc đình chỉ và tạm đình chỉ do nguyên nhân chủ quan có tỷ lệ rất thấp, với 24 trường hợp. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm minh các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời trong quá trình thực hiện sẽ phát hiện kịp thời những vướng mắc, hạn chế để tham mưu, trình QH sửa đổi cho phù hợp. Về nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm soát ngay từ đầu quá trình khởi tố, điều tra, trong đó tập trung phát hiện những bất cập, mâu thuẫn. Việc đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra cũng có mặt tích cực là có thể ngăn chặn sớm oan, sai ngay sau khi phát hiện những dấu hiệu bất hợp lý…

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) về việc còn hơn 11.700 tội phạm truy nã ngoài vòng pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm xác nhận còn lượng lớn đối tượng truy nã gây nguy hiểm cho xã hội, các kết quả điều tra chưa được thực hiện và tính nghiêm minh của pháp luật chưa được bảo đảm. Ðể giải quyết vấn đề này, Bộ Công an sẽ áp dụng các giải pháp tăng cường quản lý dân cư, cư trú, "nắm người, nắm hộ"… trong đó tăng cường quản lý giấy tờ tùy thân, quản lý hộ khẩu, thay đổi phương pháp quản lý căn cước công dân. Bộ trưởng Công an cho biết các lực lượng công an đều phải truy nã tội phạm, không chỉ các lực lượng chuyên trách; phối hợp lực lượng, tăng cường hợp tác quốc tế để các đối tượng này không chạy trốn ra nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt các nước chung quanh Việt Nam. Thời gian tới sẽ tăng cường phát động quần chúng phát hiện tội phạm truy nã; tăng cường lực lượng cơ sở để phát hiện đối tượng truy nã.

Giải đáp chất vấn của đại biểu QH về nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang hoành hành tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, mặc dù đây là quan hệ dân sự, tự thỏa thuận, nhưng hầu hết có lãi suất cao, đứng sau thường là các tổ chức tội phạm. Theo thống kê, từ năm 2015 đến 2018, có hơn 7.600 vụ phạm tội với 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo... Cơ quan công an đang đưa ra một số giải pháp đấu tranh với các băng nhóm, đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, như: phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân về quan hệ giao dịch, vay mượn, sử dụng vốn an toàn, phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan; làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ, đòi nợ thuê; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở đầu tư kinh doanh về đòi nợ thuê trái pháp luật; mở cao điểm tiến công triệt phá các băng nhóm tội phạm, nâng cao hiệu quả xử lý tin báo tố giác tội phạm của người dân. Ðồng thời rà soát nghiên cứu đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp lý liên quan.

Quan tâm môi trường sống và điều kiện lao động của nhân dân

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) về việc bảo vệ môi trường sông Ðáy, sông Nhuệ chưa đạt kết quả như mong muốn và như lời hứa của Bộ trưởng. Theo đó, Bộ trưởng cho biết, để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông cần sự phối hợp chặt chẽ, quyết tâm của cả các địa phương có dòng sông đi qua, đó là: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam… TP Hà Nội đã có phương án tham gia xử lý ô nhiễm môi trường hai dòng sông này, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả như mong muốn, sự phối hợp giữa các bên chưa thật sự chặt chẽ và nhất là việc bố trí nguồn lực chưa hiệu quả. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp muốn tham gia xử lý ô nhiễm hai dòng sông nhưng các cơ quan chức năng cần xác định rõ doanh nghiệp nào có công nghệ và năng lực đáp ứng được yêu cầu đề ra. Về nạn ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp được một số đại biểu chất vấn, Bộ trưởng cho biết vấn đề cần được quan tâm hiện nay là tập trung quản lý về công nghệ tại các khu công nghiệp bởi đang có thực trạng công nghệ, máy móc sản xuất chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm.

Về nội dung bảo đảm nhà ở cho công nhân, người lao động được đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo đô thị luôn được quan tâm. Ðến nay, đã thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó 1,8 triệu m2 cho người nghèo đô thị, hai triệu m2 cho công nhân. Tuy nhiên, so với yêu cầu, con số đó vẫn rất thấp, mới chỉ đạt 3,8/10 triệu m2. Ðể giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 về một số giải pháp thúc đẩy nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người nghèo đô thị. Nếu thực hiện tốt các giải pháp này thì sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề nhà ở. Ngoài ra, cần quan tâm bố trí đủ vốn ngân sách, để hỗ trợ cho người thuê mua nhà ở, trong đó có công nhân trong các khu công nghiệp. Trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn mới bố trí 1.200 tỷ đồng, nhưng nhu cầu thực tế là 9.000 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) về những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo thống kê, mỗi năm số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm 13,2%. Tuy nhiên, vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến và có biểu hiện phức tạp, một số vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển đô thị, kiến trúc, với những quy chuẩn, định mức rõ ràng, cụ thể. Ðồng thời quy định xử phạt nghiêm minh các hành vi sai phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc việc thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị, cấp phép xây dựng. Qua đó nhằm thông báo cho địa phương thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý hoạt động xây dựng và rút kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực này. Ðối với các vi phạm cụ thể liên quan như: vụ nhà 8B Lê Trực, xây "biệt phủ" ở rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội), Bộ trưởng Xây dựng cho biết sẽ rà soát lại các công trình sai phạm và trả lời đại biểu QH bằng văn bản.

Trả lời đại biểu Ðinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) và một số đại biểu khác chất vấn về trách nhiệm và giải pháp hạn chế sự xuống cấp của đạo đức, lối sống hiện nay, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trăn trở: Ðây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói là để làm tốt cần thời gian rất lâu dài. Trong hai năm qua, Bộ đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến chấn chỉnh quản lý lễ hội, xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa và tổ chức hội nghị tổng kết toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung đẩy mạnh xây dựng đạo đức lối sống thông qua xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng… Ðồng thời phát huy thế mạnh của văn học, nghệ thuật cũng như vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống, đề cao vai trò giáo dục đạo đức dân tộc, hướng con người đến chân, thiện, mỹ… Ðể giải quyết vấn đề này cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có cả vấn đề phát triển kinh tế. Tranh luận với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) cho rằng: Trước đây chúng ta còn nghèo, rất khó khăn, nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Bây giờ chúng ta thoát nghèo, thu nhập trung bình thì nền tảng đạo đức của xã hội lại xuống cấp; tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội…

Liên quan công tác quy hoạch thủy điện (QHTÐ) được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Chính phủ đã yêu cầu rà soát QHTÐ nhỏ và vừa trên cả nước để bảo đảm phát triển thủy điện bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm đời sống người dân. Thực hiện Nghị quyết của QH, Bộ Công thương đã có thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tại tỉnh Nghệ An đã rà soát đưa ra khỏi quy hoạch 23 dự án thủy điện vừa và nhỏ không bảo đảm, hiện còn 42 dự án tiếp tục thực hiện. Trên cả nước có 474 dự án nhỏ và vừa được đưa ra khỏi quy hoạch; 231 địa điểm quy hoạch cũng bị đưa ra khỏi danh sách. Về việc cấp điện cho vùng nông thôn, miền núi và hải đảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Nghệ An đã được đưa vào chương trình của Chính phủ cấp vốn, trong đó tập trung vào các thôn, bản chưa có điện. Trong số 233 thôn, bản chưa có điện, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam sẽ tập trung cung cấp điện cho 183 thôn, bản. Dự kiến, Chính phủ sẽ chi hơn 9.000 tỷ đồng cùng 11.000 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới. Ðến năm 2020, dự kiến toàn bộ thôn, bản khó khăn trên cả nước sẽ được cấp điện. Sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng chỉ đạo rà soát lại để cho dừng sáu dự án nhà máy thủy điện trên sông Cả.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu về tình trạng thủ tục hành chính (TTHC) còn rườm rà, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có giải pháp tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Vừa qua, đã phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, Tổ công tác của các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, qua đó tiếp tục thúc đẩy cải cách đồng bộ các TTHC theo các nghị quyết và quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc quán triệt, đẩy mạnh cải cách TTHC. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, trong đó chủ yếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả, cải cách TTHC và khẩn trương củng cố kiện toàn mô hình "một cửa" của các bộ, ngành, địa phương theo Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về kỷ cương kỷ luật hành chính, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản sắp xếp bộ máy tổ chức. Liên quan nội dung nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã trả lời, làm rõ thêm về quá trình thực hiện công tác liên thông cải cách TTHC trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, vừa qua bước đầu thực hiện lựa chọn ở một số lĩnh vực mang tính bao phủ để quyết liệt triển khai, như: thủ tục về hộ tịch, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tiếp tục đẩy mạnh liên thông trong một số lĩnh vực khác.

Trong phiên chất vấn hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tham gia trả lời câu hỏi của đại biểu QH về quy hoạch và xây dựng khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, khu Ðại học Quốc gia Hà Nội và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng trả lời chất vấn về sự thống nhất và hài hòa của chính sách thuế thời gian qua. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải đáp các câu hỏi về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; chính sách tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời băn khoăn của đại biểu QH về sự thống nhất của số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thông tin với QH về tốc độ phát triển hợp tác xã nông nghiệp và hướng phát triển của mô hình này trong thời gian tới. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu QH về tiến độ thực hiện chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế, bệnh viện…

Theo nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi