Thứ Bảy, 11/1/2025
Thắm tình quân dân nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ

Dạt dào tình cá-nước

Sau nhiều ngày mưa tầm tã, bầu trời xã Đồng Tiến (Đồng Phú, Bình Phước) sáng hôm qua trở nên quang đãng, tinh khôi. Quang cảnh ấy càng thêm náo nức, tươi vui khi có sự hiện diện của hơn 100 đại biểu, trong đó có nhiều già làng, trưởng bản, người lao động tiêu biểu trong các dự án kinh tế-quốc phòng (KTQP) của Binh đoàn 16 về dự tọa đàm. Vừa gặp chúng tôi, Giàng A Vảng, Trưởng bản Sín Chải, xã Đắk Ngo (Tuy Đức, Đắc Nông) đã vui vẻ bắt chuyện: “Biết mình được mời về dự tọa đàm, mấy hôm trước bà con dân bản đến nhà mình rất đông. Ai cũng gửi lời cảm ơn tới Đảng, quân đội, cảm ơn Binh đoàn 16 đã hỗ trợ, giúp đỡ để bản mình có cuộc sống no ấm như hôm nay”. Còn già làng người Mông Giàng A Lừ, bản Giang Châu (xã Đắk Ngo) cũng gọi điện, phấn khởi nói: “5 đứa trẻ mồ côi được bộ đội Binh đoàn 16 nuôi dạy từ năm 2014, cứ đòi theo anh Vảng về binh đoàn”.

Bước vào buổi tọa đàm, những câu chuyện mà các già làng, trưởng bản nhắc tới được nhiều đại biểu chia sẻ với không ít chi tiết thú vị. Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Chính ủy Trung đoàn 720, kể: “Ngay từ khi thành lập, đơn vị đã xác định rất rõ giúp dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu”. Theo đó, Đảng ủy trung đoàn sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về việc tiếp nhận, tổ chức tái định cư cho người dân; đồng thời thực hiện phương châm “4 cùng” với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Sau nhiều ngày kiên trì đến từng hộ dân sống du canh, du cư để tuyên truyền, vận động, năm 2002, đơn vị đưa được 312 hộ đồng bào Mông về với Khu KTQP Đắk Ngo. Khi mới tiếp nhận, tỷ lệ bà con mắc bệnh sốt rét hơn 70%. Cùng với việc khám, điều trị bệnh, hướng dẫn bà con phòng dịch, đơn vị còn gấp rút san ủi mặt bằng, chia cho mỗi hộ 400m2 đất thổ cư và 1ha đất sản xuất; đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào dựng nhà, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Nói về những việc làm của bộ đội vì dân, các đại biểu là bà con đồng bào dân tộc trong khu KTQP của Binh đoàn 16 đều rất chân tình, bày tỏ sự cảm động sâu sắc. Người dân kể về bộ đội binh đoàn thông qua những câu chuyện sinh động, những kỷ niệm sâu sắc. Ông Điểu Toi, Bí thư Chi bộ bon Buprăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức, Đắc Nông), nhớ lại: "Năm 2011, các chú bộ đội Trung đoàn 726 đến tuyên truyền, vận động gia đình tôi không phá rừng làm nương rẫy, mà tham gia làm vườn cây của trung đoàn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì về làm kinh tế nên xua tay, nói: “Các chú bộ đội về đi, chúng tôi không phá rừng làm rẫy thì lấy gì để ăn! Các chú có nuôi nổi đồng bào không?”. Vậy mà các chú bộ đội vẫn kiên trì đến nhà vận động suốt nhiều ngày liền. Rồi một hôm, tôi bị sốt cao phải nằm ở nhà. Vợ tôi đi lấy lá cây về nấu nước cho tôi uống, lại mời thầy cúng để bắt "con ma" nhưng mãi không khỏi, bệnh càng ngày nặng thêm. Tôi suy kiệt, nằm liệt giường chỉ chờ chết. Gần trưa hôm ấy, vợ tôi chạy vào nhà gọi: "Ông ơi, các chú bộ đội hôm trước lại đến, bảo phải đưa ông đi cấp cứu". Rồi một bác sĩ quân y cầm tay tôi bắt mạch, thăm khám bệnh và nói tôi bị sốt rét rất nặng, phải đưa vào bệnh xá của trung đoàn ngay kẻo không kịp. Ngay sau đó, các chú bộ đội cõng tôi lên xe đưa về bệnh xá chữa trị. Ở đó, tôi được các bác sĩ, y tá chăm sóc tận tình. Khoảng hai tuần sau tôi khỏi bệnh, lại được nghe các chú bộ đội giải thích về dự án phát triển KTQP và cho xe ô tô chở tôi cùng gạo, mỳ gói, đường, sữa, chăn, màn về tận nhà… Đêm đó, tôi khóc khi nhớ lại lúc đầu mình đã nặng lời, không nghe theo các chú bộ đội...".


Ít lâu sau, gia đình ông Điểu Toi và nhiều hộ dân ở bon Buprăng 1 tự nguyện đăng ký nhận đất trồng cà phê, hồ tiêu, bơ… được cán bộ Trung đoàn 726 hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn phương pháp chăm sóc vườn cây, kỹ thuật trồng xen canh để tăng thu nhập.

Trong tham luận của mình, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh đoàn 16, nhấn mạnh: “Suốt 20 năm bám dân, bám thôn, bản để triển khai dự án KTQP, bao kỷ niệm vui buồn, bao gian khổ, khó khăn, Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh đoàn luôn chú trọng lãnh đạo, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện tốt phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”. Lãnh đạo Binh đoàn 16 còn nêu quyết tâm sẽ phát huy truyền thống “Đoàn kết vượt khó-Gắn bó với dân-Kinh tế, quốc phòng-Vững mạnh, phát triển ”, giúp dân hiệu quả hơn nữa, xây dựng các khu KTQP phát triển, địa bàn an toàn để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

 Mang ơn Bộ đội Cụ Hồ

Năm tháng qua đi, có biết bao sự kiện, câu chuyện cảm động của người chiến sĩ Binh đoàn 16 với lãnh đạo địa phương và bà con các dân tộc trong những khu KTQP. Chuyện bộ đội bạt đồi, phát rẫy, làm ruộng nương với đồng bào để hình thành các khu KTQP ngày càng lớn mạnh. Chuyện bộ đội đưa 312 hộ dân người Mông từ các tỉnh Tây Nguyên về định cư nơi bản mới; hướng dẫn đồng bào các dân tộc trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; rồi việc bộ đội băng rừng, lội suối, xả thân cứu giúp đồng bào trong cơn lũ dữ… góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Đến hôm nay, bà con các dân tộc trong khu KTQP, coi bộ đội Binh đoàn 16 như người thân trong gia đình.

Câu chuyện mà anh Trần Văn Hà (con của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy), ở  thôn 7, xã Bình Minh (Bù Đăng, Bình Phước), chia sẻ tại tọa đàm đã nói lên điều đó. Đầu năm 2004, gia đình anh Hà và người anh trai phải rời quê hương Tiền Giang lên Bình Phước mưu sinh. Mẹ Trần Thị Bảy già yếu nên nhất định ở lại quê nhà. Mãi gần đây, hai người con trai mới mời được mẹ lên Bù Đăng ở cùng. Hay tin mẹ Trần Thị Bảy vừa chuyển đến địa bàn, lãnh đạo Trung đoàn 719 đã tới thăm hỏi, động viên và xin nhận phụng dưỡng mẹ. Với tấm lòng và tình cảm chân thành của Bộ đội Cụ Hồ, bằng những việc làm thiết thực, rất đỗi thân thương, ấm áp khiến mẹ Bảy và gia đình vô cùng phấn khởi. Chẳng biết tự bao giờ, mẹ Bảy và các con cháu của mẹ đã coi bộ đội Trung đoàn 719 như người thân trong gia đình. Cũng từ đó, việc gì mẹ Bảy cũng dặn con cháu phải hỏi ý kiến các anh bộ đội Trung đoàn 719.

Gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều năm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 726 được đồng bào tin yêu, quý mến, trở thành chỗ dựa mỗi khi đồng bào gặp khó khăn. Cách đây hơn hai năm, đúng vào thời điểm Tây Nguyên oằn mình trong khô hạn, chúng tôi đã có mặt tại Trung đoàn 726. Sáng sớm hôm ấy, khi trung đoàn chưa báo thức, Thượng tá Hoàng Ngọc Bích (nay là đại tá), Trung đoàn trưởng bỗng nghe chuông điện thoại reo vang. Bên kia đầu dây, giọng một người đàn ông líu ríu: “Chú Bích ơi, tối qua tôi sơ ý làm đổ bình xăng, nhà tôi bị cháy sạch rồi. Cả đêm, vợ chồng con cái nhà tôi phải ngủ tạm dưới tán cây điều, chú ạ”. Anh Bích bật dậy, gọi các đồng chí chỉ huy trung đoàn hội ý nhanh, rồi cùng đại diện các cơ quan mang theo gạo, mì ăn liền, mắm, muối, bột ngọt, tiền hỗ trợ… tới ngay nhà ông Đỗ Văn Thành, 64 tuổi, người vừa gọi điện thoại, ở bon Đắc Huých, xã Quảng Trực (Tuy Đức) để giúp đỡ gia đình ông trong cơn hoạn nạn. Nhận tình cảm và sự giúp đỡ của các anh bộ đội, ông Thành giàn giụa nước mắt nói không nên lời. Sau này, ông Thành tâm sự: “Những lúc khốn cùng, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào bộ đội. Dù có bất cứ khó khăn gì, bà con đều nhờ bộ đội giúp đỡ, vì chúng tôi tin chỉ có các anh mới sẵn lòng giúp đỡ dân nhiệt tình, trách nhiệm”.

Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với đồng bào DTTS, Trung tá Trịnh Phạm Hòa, Chính ủy Trung đoàn 719, chia sẻ: “Nếu chỉ nói giúp đỡ bằng lời thì đồng bào không nghe, không tin, mà phải giúp đỡ bằng những việc làm và hành động cụ thể, thì bà con sẽ nghe, sẽ tin ngay. Vì thế, chúng tôi luôn chủ động làm trước, làm thật tốt, giúp đỡ thật lòng để bà con tin tưởng, làm theo. Cứ thế như một lẽ tự nhiên, bà con gửi gắm niềm tin vào bộ đội, coi bộ đội như người thân trong gia đình. Điều này giúp cho đơn vị thuận tiện hơn trong việc tuyên truyền, vận động dân bản chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và những quy định của địa phương, thực hiện tốt nếp sống văn minh, không tin kẻ xấu kích động, xúi giục”.

Đồng thuận với ý kiến của Trung tá Trịnh Phạm Hòa, đồng chí K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức (Đắc Nông), khẳng định: “Mặc dù các đơn vị Binh đoàn 16 đóng quân trên địa bàn điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn nỗ lực lo cho dân. Đến nay, đời sống của đồng bào đã phát triển không ngừng. Bộ đội cùng gánh vác khó khăn với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh... Chúng tôi vô cùng cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 16 đã giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ địa phương hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ trong những năm qua”.

 

Tạo thế vững nơi biên cương

Đến các khu KTQP do Binh đoàn 16 quản lý thời gian này, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới trong các khu dân cư của đồng bào Kinh; làng bản, buôn bon, phum sóc của đồng bào Mông, Mơ Nông, S’tiêng, Tày, Thái... Những khu dân cư ngày càng trù phú, góp phần xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn chiến lược phía nam Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.

 Phấn khởi tham dự tọa đàm, chị Hà Thị Hòa, người dân tộc Thái, đại diện cho hộ sản xuất giỏi thuộc Trung đoàn 726, cho biết: “Năm 2004, gia đình tôi được bộ đội Trung đoàn 726 đến dựng lán để có chỗ ở, sau đó được đơn vị giao cho 1,06ha đất trồng mì, bắp và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, lấy ngắn nuôi dài. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của bộ đội binh đoàn, chỉ hai năm sau vườn cây của gia đình tôi cho sản lượng từ 20 tấn lên 25 tấn sản phẩm. Hiện tại, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi bình quân từ 350 đến 400 triệu đồng/năm. Cái nghèo đã lùi xa, đời sống đồng bào ấm no, hạnh phúc là nhờ công lao của bộ đội Binh đoàn 16”.

Trong câu chuyện của mình kể tại buổi tọa đàm, anh Giàng A Vảng, Trưởng bản Sín Chải, xã Đắk Ngo, khoe: “Bản mình giờ có đường mới, 5 nhà đã mua ô tô, lại còn cả một chiếc “siêu thị” bán đủ thứ hàng phục vụ nhân dân. Học sinh THPT cũng được đi ô tô đến trường, vừa an toàn lại không mất công bố mẹ đưa đón. Mấy năm trước mới có điện, bộ đội binh đoàn đã cử người vào hướng dẫn cách dùng. Nhờ có điện của bộ đội đưa về, nhà ai cũng mua được ti vi, tủ lạnh, máy hát, quạt mát. Bản mình xin hứa sẽ làm tốt mọi điều mà bộ đội chỉ bảo, cả bản sẽ đoàn kết cùng với Trung đoàn 720 làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, động viên em nhỏ tới trường, không mê tín dị đoan, không sinh đẻ nhiều. Người Mông ở Đắk Ngo chỉ tin và nghe theo bộ đội thôi”.

Những việc làm tình nghĩa của bộ đội và sự gần gũi, tin yêu của đồng bào, thế vững nơi biên cương đã hình thành từ tình cảm quân dân khăng khít. Đời sống của bà con dọc tuyến biên giới của hai tỉnh Đắc Nông và Bình Phước ngày một đổi thay. Đói nghèo đã bị đẩy lùi, đau ốm được khám bệnh miễn phí. Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 16, những năm qua, nhiều đơn vị của binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với công an, biên phòng, thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp công tác, hỗ trợ nhau thực hiện nhiệm vụ, tạo thành mạng lưới bảo vệ vùng biên vững chắc. Đặc biệt, việc hình thành các cụm dân cư biên giới gắn với các đội sản xuất là mô hình thích hợp để giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới giáp ranh.

Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên, Chính ủy Trung đoàn 717, cung cấp thêm thông tin tại buổi tọa đàm: “Mô hình cụm dân cư biên giới và mô hình kết nghĩa giữa hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS đang ngày một phát triển, khẳng định cách làm đúng đắn của binh đoàn và chính quyền địa phương. Nhiều xã giáp ranh thuộc tỉnh Bình Phước, Đắc Nông cũng áp dụng mô hình này để quản lý, bảo vệ địa bàn. Hiệu quả công tác phối hợp, đan xen đã làm giảm hẳn tình trạng gây rối, bất ổn, mất an ninh trật tự tại địa phương”. Đây cũng là nội dung tham luận của Đại tá Vũ Đình Toản, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Đắc Nông: “Thực hiện Nghị định số 77 của Chính phủ, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 720 và công an địa phương thành lập các tổ an ninh tự quản, thực hiện tốt Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia"; chủ động trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch phối hợp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn”.

Từ thực tiễn công tác và nắm bắt địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Tư, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, cho rằng: “Tây Nguyên hôm nay đã trải một màu xanh hy vọng, dần xóa đi dấu vết đói nghèo trong hành trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành quả đó có một phần không nhỏ công sức của Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội Binh đoàn 16. Không chỉ tích cực giúp đỡ đồng bào có chỗ ở, việc làm, ổn định cuộc sống; chăm lo phát triển an sinh xã hội nơi đóng quân, Binh đoàn 16 còn là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng, an ninh, giữ yên bình tuyến biên giới giáp ranh”.

Phấn khởi trước những ý kiến đầy tâm huyết của các đại biểu, trong lời kết luận tọa đàm, Đại tá Hà Huy Tân khẳng định: Những câu chuyện nặng nghĩa, nặng tình được chính người dân nêu lên, với tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần làm sâu sắc thêm giá trị "Bộ đội vì dân, dân tin yêu bộ đội". Chính tình cảm gắn bó keo sơn, sự hỗ trợ thiết thực để đồng bào ổn định, phát triển an sinh xã hội tại địa phương, đã góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Với tình cảm và trách nhiệm, Binh đoàn 16 sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng KTQP, phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị LLVT trên địa bàn bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng mối quan hệ quân dân gắn bó, xây dựng thế vững biên cương. Binh đoàn 16 cũng mong muốn Báo Quân đội nhân dân tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa những việc làm đầy ý nghĩa của binh đoàn, góp phần nhân lên tình cảm tốt đẹp, thắm tình cá nước quân dân nơi cuối đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

 Theo qdnd.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất